Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa nâng dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, lên mức trung bình 102,03 triệu thùng/ngày trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên thế giới và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc gia tăng đáng kể.
Theo IEA, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ tăng dần qua các tháng và đặc biệt tăng mạnh trong nửa cuối năm nay với mức tiêu thụ có thể đạt tới 103,2 triệu thùng/ngày trong quý 3 và quý 4/2023. Dự kiến, mức tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong năm nay sẽ cao hơn đến 2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.
IEA cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đang được hỗ trợ tích cực từ đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất cũng như phi sản xuất tại Trung Quốc đã phục hồi ấn tượng trong tháng 2 vừa qua. Trong đó, hoạt động sản xuất đã ghi nhận tốc độ phục hồi theo tháng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nhiên liệu gia tăng. IEA cũng nhấn mạnh lưu lượng hàng không trên thị trường nội địa Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với mức trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra vào năm 2019. Đối với thị trường toàn cầu, IEA dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay trong quý 4/2023 sẽ tương đương 94% nhu cầu ghi nhận hồi quý 4/2019.
Về phía nguồn cung, IEA cho biết tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 2/2023 đã tăng thêm 0,83 triệu thùng/ngày lên mức 101,5 triệu thùng/ngày nhờ sản lượng khai thác tại Hoa Kỳ và Canada phục hồi. IEA dự báo nguồn cung dầu thô toàn cầu trong cả năm 2023 sẽ tăng thêm 1,6 triệu thùng/ngày so với năm 2022.
IEA nhận định các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga cho đến nay có rất ít tác động đến hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Trong tháng 1/2023, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga chỉ giảm 0,16 triệu thùng/ngày so với thời điểm trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra (tháng 2/2022).
Tuy nhiên, đến cuối quý 1/2023, mức giảm sản lượng xuất khẩu của Nga có thể lên đến 1 triệu thùng/ngày khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hoả… kể từ đầu tháng 2 vừa qua. Đầu tháng 3/2023, Nga tuyên bố sẽ giảm 5% sản lượng khai thác từ tháng 3/2023.
Trung Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 và mở cửa trở lại vào tháng 12/2022. Do là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của thế giới, Trung Quốc được coi là biến số lớn nhất trên thị trường năng lượng toàn cầu trong năm nay.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục giữ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 ơ mức 101,9 triệu thùng/ngày với nhận định sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô tại một số quốc gia phương Tây dưới tác động của các bất ổn kinh tế sẽ giúp thị trường cân bằng với việc nhu cầu sử dụng dầu thô tại Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian tới.
Liên minh OPEC+ cũng tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Liên minh OPEC+, bao gồm các quốc gia thành viên OPEC và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Do đó, IEA cảnh báo thị trường dầu thô toàn cầu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay nếu nhu nguồn cung dầu toàn cầu không được cải thiện.