Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,08 nghìn tấn, trị giá 8,02 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.576 USD/tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất, chiếm 39,35% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 10 chiếm 29,83% và SVR 3L chiếm 22,01% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023.
Về giá xuất khẩu, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023 phần lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là SVR 10 giảm 19,4%; SVR CV60 giảm 19%; SVR 20 giảm 18,6%…
Tại thị trường Hàn Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Do đó các doanh nghiệp cần dạng hóa sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường của Hàn Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Nhập khẩu cao su từ Việt Nam giảm so với các nguồn cung khác
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, 2 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 85,23 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 162,88 triệu USD, tăng 1,3% về lượng, nhưng giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Việt Nam và Phi-líp-pin là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc. Trừ Thái Lan và Việt Nam, nhập khẩu cao su của Hàn Quốc từ các thị trường này đều tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Hàn Quốc với 4,69 nghìn tấn, trị giá 7,32 triệu USD, giảm 42,9% về lượng và giảm 52,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 5,51% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, giảm so với mức 9,77% của 2 tháng đầu năm 2022.
Qua số liệu cho thấy, tại thị trường Hàn Quốc, thị phần cao su của Việt Nam bị thu hẹp, trong khi thị phần cao su của In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Phi-líp-pin, Campu-chia, Xin-ga-po… lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Về chủng loại nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, trong đó nhập khẩu cao su tự nhiên chiếm 67,55% tổng lượng cao su nhập khẩu của Hàn Quốc. Trong thời gian này, lượng và trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên vào Hàn Quốc giảm, trong khi nhập khẩu cao su tổng hợp tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 57,57 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 83,77 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Phi-líp-pin và Cam-pu-chia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hàn Quốc. Trừ Việt Nam và Thái Lan, lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Hàn Quốc từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm tỷ trọng nhỏ tại thị trường Hàn Quốc
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, với 4,68 nghìn tấn, trị giá 7,26 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 52,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc chiếm 8,13%, giảm mạnh so với mức 13,71% của 2 tháng đầu năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc nhập khẩu 24,24 nghìn tấn cao su tổng hợp (HS 4002), với trị giá 72,97 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc, CH Séc, Nhật Bản, Xin-ga-po và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023. Trừ Nga, nhập khẩu cao su tổng hợp của Hàn Quốc từ các thị trường này đều tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Trung Quốc, CH Séc, Xin-ga-po, Đức tăng; Trong khi đó, thị phần của Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ lại giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc.