Dự kiến lợi nhuận giảm 60%, chia cổ tức 2023 bằng tiền tỷ lệ 40%
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu: DPM – sàn: HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại Đại hội, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm nay ở mức 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,7% và giảm hơn 59% so với mức nền cao đột biến trong năm ngoái.
Đồng thời, cổ đông cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 40% (4.000 đồng/cổ phiếu).
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội, ông Lê Cự Tân - Tổng Giám đốc Đạm Phú Mỹ cho biết: “Năm 2023 là năm có nhiều thách thức đối với ngành phân bón nói chung và Đạm Phú Mỹ nói riêng khi giá phân bón giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong mấy năm qua, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, Nhà máy Đạm Phú Mỹ dừng máy 1 tháng để bảo dưỡng theo định kỳ. Trong tình hình đó, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Tuy thận trọng, nhưng đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành.”
Về định hướng kinh doanh trong 5 năm tới, Đạm Phú Mỹ cho biết sẽ tiếp tục củng cố vị thế nhà sản xuất phân bón lớn nhất Việt Nam; đồng thời, mở rộng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoá chất cơ bản và hoá chất hoá dầu.
Đối với mảng phân bón, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu giữ vững thị phần phân đạm ở mức 35%. Công ty cũng cho biết sẽ tăng khả năng sản xuất sản phẩm NPK thông qua đầu tư mới hoặc thông qua hình thức liên doanh, liên kết, mua bán sáp nhập (M&A).
Đối với mảng hoá chất, Đạm Phú Mỹ sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các sản phẩm hóa chất hiện có; phát triển năng lực tồn trữ, kinh doanh, sản xuất hóa chất và triển khai đầu tư sản xuất hóa chất có tiềm năng.
Giá phân bón chạm đáy, đã hoàn thành vượt kế hoạch nửa đầu năm
Dưới đây là một số câu hỏi thảo luận trọng tâm của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Đạm Phú Mỹ:
Cổ đông: Đề nghị thông tin về tình hình nguồn khí và chi phí mua khí?
Đoàn chủ tịch: Hợp đồng mua khí của Đạm Phú Mỹ trong năm 2023 đã được ký với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và theo thực tế 6 tháng đầu năm, giá khí theo hợp đồng đã tăng hơn so với dự báo kế hoạch. Về nguồn cung cấp, sản lượng khí từ bể Cửu Long và nguồn khí Nam Sơn giá thấp ngày càng giảm. Trong thực tế, việc sử dụng nguồn khí nào còn phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở cân đối tổng nhu cầu khí cho các hộ tiêu thụ khí trên toàn quốc.
Cổ đông: Đề nghị thông tin về tiềm năng các dự án hoá chất?
Đoàn chủ tịch: Theo kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 và định hướng phát triển đến 2035, Đạm Phú Mỹ triển khai một số dự án hoá chất. Dự án H202 (sản xuất Oxy già) công suất 40.000 tấn, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, có tiềm năng hiệu quả từ khai thác khí Hydro có sẵn của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Dự án sản xuất Soda công suất 200.000 tấn, tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, sử dụng nguyên liệu từ NH3 và CO2 có sẵn của Nhà máy, giai đoạn 2024 – 2026 có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận.
Dự án Melamine công suất 40.000 tấn, tổng mức đầu hơn 3.000 tỷ đồng, hiện đang tìm kiếm thị trường để đánh giá cơ hội đầu tư do nhu cầu trong nước tiêu thụ chỉ khoảng 15.000 tấn.
Một số dự án nhỏ khác như sản xuất phân hữu cơ vi sinh, Adblue… cũng có tiềm năng sau khi nghiên cứu đánh giá đầy đủ cơ hội của mỗi dự án đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án theo kế hoạch 5 năm vào khoảng 7.000 tỷ đồng và Đạm Phú Mỹ sẽ cân đối từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay.
Cổ đông: Đề nghị thông tin về dự báo, xu hướng giá bán thị trường phân bón; mức chênh lệch giá thị tường quốc tế với trong nước cao hơn 25%, trong khi trước đây chỉ ở mức 5% - 10%?
Đoàn chủ tịch: Về cung – cầu phân đạm, năm 2022, nguồn cung bị đứt gãy khiến giá phân đạm tăng mạnh. Tuy nhiên, sang năm 2023, nguồn cung tăng trở lại dần dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu và giá giảm mạnh, chạm đáy trong 6 tháng đầu năm 2023. Dự báo, trong năm 2024, giá thị trường tiếp tục ổn định và không có đột biến.
Nửa đầu năm 2023, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ, tăng 9% so với cùng kỳ 2022, trong khi thị trường xuất khẩu giảm và giá xuất khẩu cũng giảm. Từ năm 2023, thì thị trường Trung Đông và Trung Quốc với giá thành sản xuất thấp đã tác động mạnh đến giá thị trường thế giới.
Độ chênh lệch giá thế giới và trong nước do một số yếu tố tác động đến nhà nhập khẩu như tình hình thư xếp ngoại tệ, thị trường tiêu thụ, nhu cầu…
Cổ đông: Đề nghị thông tin về các chính sách thuế GTGT, thuế xuất khẩu áp dụng cho phân bón hiện nay và lộ trình sửa Luật Thuế GTGT?
Đoàn chủ tịch: Theo Luật Thuế GTGT thì hàng xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất thuế GTGT là 0% nên doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT đầu vào đối với lượng hàng xuất khẩu. Theo đó, phần thuế GTGT đối với lượng hàng xuất khẩu được hoàn/khấu trừ, tuy nhiên phần tiêu thụ trong nước thì không được khấu trừ (mỗi năm khoảng 300 – 400 tỷ đồng).
Đối với thuế xuất khẩu Ure, sự thay đổi từ ngày 15/7/2023 không có tác động đến Đạm Phú Mỹ vì cho đến nay công ty vẫn chịu thuế xuất khẩu phân Ure 5%. Lộ trình sửa đổi Luật Thuế GTGT phụ thuộc theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội.
Cổ đông: Đề nghị làm rõ việc tăng vốn điều lệ và mức cổ tức dự kiến trên vốn điều lệ năm 2023?
Đoàn chủ tịch: Công ty trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương để Hội đồng Quản trị xây dựng phương án trình các cấp thẩm quyền trước khi thông qua để thực hiện. Phương án cuối cùng sẽ căn cứ theo kết quả của đơn vị tư vấn và sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Dự kiến nếu được chấp thuận thực hiện thì lộ trình có thể là năm 2023 vốn điều lệ tăng 40%, năm 2024 tăng 15% và năm 2025 tăng 15%.
Mức cổ tức kế hoạch năm 2023 đưa ra theo dự kiến như trên tuy nhiên mức chi thực hiện sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định tại thời điểm thực hiện.