Duy trì lợi nhuận, bứt phá khỏi nhóm dự án kém hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ sự đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty trong việc giải quyết dứt điểm bài toán tài chính khi thanh toán xong toàn bộ khoản vay ngân hàng của dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, giảm thiểu áp lực về chi phí lãi phát sinh cũng như triển khai nhiều giải pháp khai thác, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Báo cáo của DAP - VINACHEM cho thấy, sau khi xuất hiện lỗ 461,798 tỷ đồng vào năm 2016, sang năm 2017 Công ty đã thoát lỗ thành công và thu về lợi nhuận 14,783 tỷ đồng. Năm 2018 đạt lợi nhuận 227,145 tỷ đồng.
Theo đó, đến nay dự án của DAP - VINACHEM đã hoàn thành 5 tiêu chí mà Bộ Công Thương dự thảo để đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả. Các nhiệm vụ được giao theo Quyết định 1468 của Chính phủ về cơ bản cũng đã hoàn tất.
Dự án đã được quyết toán và bàn giao từ năm 2013, không có nợ xấu và không có vướng mắc về hợp đồng EPC, đồng thời cơ cấu lại thành công các khoản nợ của Dự án khi thanh, quyết toán khoản vay 1.920,35 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam VP Bank từ đầu tháng 9/2018.
Về việc xử lý các tồn dư bã thạch cao, DAP - VINACHEM đã xây dựng phương án xử lý và tiến hành góp vốn thành lập Công ty CP Thạch cao Đình Vũ, cung cấp sản phẩm thạch cao nhân tạo cho nhiều nhà máy xi măng trong nước.
DAP - VINACHEM cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm việc ứng dụng thạch cao PG chế biến vào các sản phẩm khác như cốt nền đường giao thông, bãi chứa hàng, gạch tự xếp ICP,… dự kiến sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý lượng bã thạch cao từ sản xuất.
Kết quả khả quan, tuy nhiên DAP - VINACHEM cho biết, do tác động của nhiều yếu tố như khan hiếm than, tăng chi phí giá quặng, giá điện trong nước hay xu hướng giảm giá thành chung của thị trường phân bón thế giới, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, theo DAP - VINACHEM, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt hàng hoá, nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong đó có phân bón DAP bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sản lượng xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2019 chỉ bằng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018, làm cho tổng sản lượng tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2019 của Công ty chỉ bằng 61,3% so với cùng kỳ 2018.
Bài toán cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và nhà nước
Để hóa giải các khó khăn này đồng thời tạo động lực phát triển giai đoạn sau khi ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả, DAP - VINACHEM cho biết hiện không chỉ nỗ lực ổn định chất lượng sản phẩm DAP 61%, củng cố phân khúc thị trường hiện có, mà còn nghiên cứu sản xuất DAP 64% và một số loại phân bón khác để mở rộng phân khúc thị trường trong nước, cạnh tranh với phân DAP nhập khẩu.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường công tác quản trị, quản lý doanh nghiệp, quản lý chi phí, triệt để thực hiện các phương án tiết giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, cũng như khống chế tồn kho của các nguyên nhiên vật liệu đầu vào và sản phẩm DAP ở mức hợp lý trong hạ mức cho phép để hạn chế rủi ro biến động thị trường.
Theo DAP - VINACHEM, một trong những ưu tiên hàng đầu của Công ty hiện nay là giữ vững và củng có hệ thống đại lý trong nước, đặt trọng tâm tiêu thụ là thị trường trong nước, nhất là kênh phân phối qua hệ thống các đại lý đã xây dựng trong mấy năm qua (ngoài các Công ty sản xuất phân bón thành viên thuộc Tập đoàn). Kế hoạch tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bình quân ở kênh này dự kiến đạt 6,5%/năm.
Bên cạnh đó, DAP - VINACHEM cũng duy trì mối liên hệ với các Công ty xuất khẩu ủy thác truyền thống, tích cực khai thác thêm khách hàng xuất khẩu trực tiếp để cố gắng giữ và tăng trưởng sản lượng xuất khẩu từng năm.
DAP - VINACHEM kiến nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét điều chỉnh một số nội dung trong Luật số 71/2014/QH13 về sản xuất và kinh doanh phân bón theo hướng chuyên phân bón sang danh mục mặt hàng chịu thuế GTGT.
Đồng thời, tiếp tục duy trì và kéo dài hiệu lực mức thuế tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu từ nước ngoài.
Đối với vấn đề duy nhất còn đang tồn tại là bãi thải thạch cao, DAP - VINACHEM hy vọng sớm có các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xử lý và sử dụng chất thải rắn thạch cao PG trong đại trà, cũng như cho phép điều chỉnh thời gian lưu giữ bã thạch cao PG từ 02 năm lên 05 năm và giảm thuế VAT đối với thạch cao nhân tạo sản xuất từ bã thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Nếu nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho việc xử lý chất thải gypsum tại các nhà máy sản xuất phân bón làm vật liệu xây dựng, dự kiến chỉ trong 3 - 5 năm tới, bãi thải thạch cao PG đang tồn đọng của Nhà máy DAP Hải Phòng sẽ được xử lý hết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, một trong những nhiệm vụ ưu tiên trước mắt đối với DAP - VINACHEM hiện nay, là cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đưa dự án Nhà máy DAP Hải Phòng ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả.
Điều này sẽ giúp DAP số 1 - Hải Phòng được các ngân hàng áp dụng cơ chế tín dụng thông thường như đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh bình thường khác, hạn chế ảnh hưởng đến thương hiệu, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cùng với đó, cần xây dựng chiến lược phát triển Công ty và khai thác thị trường rõ ràng hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn, tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đi đôi với quan tâm đến việc ổn định đời sống của cán bộ công nhân viên, tập thể 650 người lao động tại DAP - VINACHEM.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, sẽ cùng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổng hợp các ý kiến và kiến nghị trước Quốc hội về một số vấn đề trong cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực phân bón, hóa chất và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp khác, giúp DAP - VINACHEM nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung tháo gỡ khúc mắc trong vận hành hiện nay.
6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của DAP - VINACHEM đạt 916 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 755,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 21,15 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 0,26 tỷ đồng.
Sản lượng phân bón DAP sản xuất trong nửa đầu năm 2019 đạt 99.492 tấn, trong đó tiêu thụ được 74.766 tấn.