Còn nhớ cách đây không lâu, Tập đoàn máy tính Trung Quốc Lenovo cũng đã mua chi nhánh sản xuất máy tính cá nhân của Tập đoàn Mỹ IBM. Gần đây nhất, Tập đoàn Hải Nhĩ mua công ty Maytag, thương hiệu hàng gia dụng số 1 của Mỹ với mức giá 1,3 tỷ USD. Và giờ đây đến lượt Unocal - công ty dầu lớn thứ 8 của Mỹ. Trung Quốc muốn mua công ty này là để bảo đảm nguồn cung cấp dầu cho nền kinh tế của mình đang trên đà phát triển nhanh. Trung Quốc cũng là nước đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nước nhập cảng dầu thô lớn thứ nhì trên thế giới.
Giá mà Công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc đưa ra để mua, cao hơn nhiều so với giá một công ty khác của Mỹ là Công ty Chevron nêu ra. Đài CNN nhận xét: “Đây là một hồi chuông báo động” với nước Mỹ. Hồi chuông báo động không chỉ gióng lên ở thủ đô Washington mà còn tại khắp nước Mỹ. Ông Frank Gaffney, chủ tịch Trung tâm chính sách an ninh, nhận xét: “Tôi tin rằng, Trung Quốc đang cho thấy việc tìm cách mua lại Unocal là một phần của chính sách dài hạn vô cùng tham vọng đánh bại nước Mỹ về phương diện kinh tế lẫn quân sự”. Mối nghi ngờ pha lẫn sự lo sợ đối với Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ ở những vùng công nghiệp của Mỹ như tại bang Ohio, vốn đang mất hàng trăm ngàn việc làm trong ngành chế tạo máy vào tay những đối thủ nước ngoài.
Các nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Bush cần phải xem xét kỹ lưỡng đề nghị mua Unocal của Trung Quốc, liệu có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc gia hay không? Nhiều chính khách Mỹ còn lo ngại về khả năng Công ty CNOOC qua việc mua năng lượng có thể nắm bắt được công nghệ độc quyền của Mỹ và ẩn chứa đằng sau thương vụ này là sự trợ cấp tiềm tàng cũng như sự tham gia tài chính của Chính phủ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Charles Schumer còn đặt vấn đề, nếu ở trường hợp Trung Quốc, liệu chính phủ nước này có để cho công ty Mỹ tự do thâu tóm công ty Trung Quốc hay không? Điều đáng suy nghĩ ở đây chính là, một công ty Mỹ đang có tầm quan trọng chiến lược và có khả năng sinh lời này lại rơi vào tay một quốc gia trái ngược về quan điểm ý thức hệ. Một số chính khách Mỹ quan ngại, nếu Công ty này được bán cho Trung Quốc thì nguồn cung cấp dầu của Mỹ bị phương hại. Một số chính khách khác coi vụ mua bán trong một môi trường mậu dịch rộng lớn hơn, nhất là họ xem rằng, đồng tiền của Trung Quốc đã được ấn định dưới giá trị thực sự so với đồng đô la Mỹ. Các cổ đông của Công ty Unocal nói, giá nêu ra của Trung Quốc không đủ cao để bù đắp vào các rủi ro vì rất có thể là vụ mua bán sẽ bị ngăn lại.
Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành các công ty Mỹ lại cho rằng, những lo ngại này là quá mức và chính quyền Mỹ không nên can thiệp vào thương vụ này. Trưởng điều hành Lee Raymond của Exxon Mobil Corp cho rằng, sẽ là sai lầm nếu Mỹ không để cho thị trường được tự do. Các công ty Mỹ cũng phải mở rộng đầu tư trên toàn cầu. Và nếu Mỹ gây khó dễ cho các nước đầu tư vào Mỹ, thì các nước khác cũng sẽ có những hành động tương tự. Cho đến nay, thương vụ Unicom vẫn đang bị thu hút bởi 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đang cân nhắc và sẽ đưa ra quyết định trong vòng 30 đến 45 ngày nữa. Theo luật năm 1988 của Mỹ, Tổng thống có thể buộc chấm dứt thỏa thuận mua bán với nước ngoài nếu CFIUS tìm thấy bằng chứng cho thấy nó có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Trong khi đó, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành CNOOC, Fu Chenggy, tuyên bố thỏa thuận này là có lợi cho Mỹ và công ty sẽ vẫn đảm bảo mọi việc làm trong Unocal. Ông Fu hy vọng, Chính phủ Mỹ sẽ thông qua thỏa thuận này cũng như đã từng thông qua thương vụ Lenovo mua chi nhánh máy tính của IBM hồi đầu năm.
Nhưng dù kết quả của thương vụ Unocal có như thế nào, thì đây sẽ là một bức thông điệp lớn của Trung Quốc với thế giới: Trung Quốc đã là một siêu cường về mọi mặt./.