Đạt 300% kế hoạch, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc thu hút doanh nghiệp nội rót vốn

Năm 2024, Vĩnh Phúc đã đạt được thành tựu đáng kể trong thu hút đầu tư vào các KCN với 45 dự án mới, trong đó có một số dự án có vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp trong nước, vượt xa mục tiêu đề ra.

Năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng, giá nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất chưa giảm, lãi suất tăng cao... các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh vẫn đăng ký thực hiện đầu tư dự án mới, dự án mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đầu tư trong nước vào Vĩnh Phúc vượt kế hoạch

Các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 45 lượt dự án, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Cụ thể, đối với dự án FDI, thu hút 32 lượt dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 500 triệu USD, đạt 87% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023: 576,55 triệu USD) và 143% kế hoạch năm 2024 (Kế hoạch năm 2024: 350 triệu USD). 

Đối với dự án trong nước, thu hút 13 lượt dự án với tổng vốn đăng ký 4.500 tỷ đồng (năm 2023: 6.482 tỷ đồng), đạt 69% so với cùng kỳ năm 2023 và 300% so với kế hoạch năm 2024 (Kế hoạch năm 2024: 1.500 tỷ đồng).

Đối chiếu với mục tiêu Nghị quyết 55/NQ-HĐND năm 2023 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành, năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thu hút vốn FDI và đầu tư trong nước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Thu hút FDI 500 triệu USD, đạt 125% (mục tiêu: 400 triệu USD); Thu hút đầu tư trong nước 4.500 tỷ đồng, đạt 82% (mục tiêu: 5.500 tỷ đồng). 

Dự kiến đến hết năm 2024, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 499 dự án, gồm 119 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 38.956 tỷ đồng và 380 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.795,11 triệu USD.

Người lao động Công ty TNHH Polaris Việt Nam, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên)
Người lao động Công ty TNHH Polaris Việt Nam, KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên)

Các dự án thu hút vào KCN trong năm qua đảm bảo đúng định hướng của tỉnh về lĩnh vực đầu tư. 95% dự án sản xuất công nghiệp; 5% dự án dịch vụ, trong đó trên 50% dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp điện tử.

Về đối tác đầu tư, 86% dự án đầu tư FDI thuộc các đối tác chiến lược Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore; đối tác chiến lược Châu Âu như Anh, Hà Lan.

Đáng chú ý, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện, xuất hiện những doanh nghiệp đầu tư trong nước có vốn đầu tư lớn vào KCN như Công ty CP Viễn thông FPT (1.121 tỷ), công ty CP Nhôm Việt Dũng (830 tỷ).

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN cơ bản được các nhà đầu tư triển khai thực hiện theo quy hoạch xây dựng được duyệt; thiết kế công trình hạ tầng, phương án phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, phê duyệt theo quy định. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, nghiệm thu, xác nhận hoàn thành theo quy định. 

Cơ bản các dự án triển khai đúng tiến độ theo đăng ký đầu tư. Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời.

Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu hoàn thiện nhôm Việt Dũng với tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng
Công ty cổ phần Nhôm Việt Dũng được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất vật liệu hoàn thiện nhôm Việt Dũng với tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng

Quy hoạch và phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Trong năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chấp thuận nhà đầu tư KCN Phúc Yên (Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 21/02/2024); Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên; Trình UBND tỉnh phê duyệt QHCTXD tỷ lệ 1/500 KCN Sơn Lôi (Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 22/02/2024); Điều chỉnh GCNĐKĐT dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tẩng KCN Nam Bình Xuyên; Điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (điều chỉnh lần thứ hai) dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện II; Điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng KCN Sơn Lôi; Tiếp tục thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi KCN Chấn Hưng; Lập quy hoạch phân khu các KCN chưa có chủ đầu tư (trong đó có KCN Tam Dương II - Khu B1, B2). 

Phối hợp các sở, ngành, chủ đầu tư hạ tầng giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng các KCN Sông Lô I, Phúc Yên, Đồng Sóc.

Dự kiến đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập và cấp GCNĐT/GCNĐKĐT. Trong đó, 09 KCN đã đi vào hoạt động, 03 KCN đang triển khai xây dựng và 05 KCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích 3.142,96ha, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 246,82 triệu USD (04 dự án FDI) và 17.661,99 tỷ đồng (13 dự án trong nước). 

Vốn giải ngân đầu tư hạ tầng các KCN lũy kế của các dự án FDI là 130,03 triệu USD (đạt 52,68% vốn đầu tư đăng ký) và của các dự án trong nước là 7.012,43 tỷ đồng (đạt 39,7% vốn đầu tư đăng ký). Tổng diện tích đất đã cho dự án thứ cấp thuê là 1.051,67 ha. Tỷ lệ lấp đầy công nghiệp đạt 44,62%. 

Phối cảnh tổng thể mặt bằng KCN Phúc Yên, Vĩnh Phúc
Phối cảnh tổng thể mặt bằng KCN Phúc Yên theo hướng sinh thái

Trong năm 2025, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Coi việc xúc tiến đầu tư tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để trình bày về kinh nghiệm đầu tư tại tỉnh và giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh cho các Nhà đầu tư khác.

Thu hút các dự án đầu tư theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số (gồm công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các ngành công nghiệp mới, sản xuất chip, bán dẫn sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư); công nghiệp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, logistic, xây dựng phát triển hạ tầng KCN,….

Đồng thời tập trung quyết liệt vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về KCN và các cơ quan quản lý chuyên ngành, các địa phương; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã đượcThủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất; nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.