VNM được định giá cao
Cách đây gần một năm, ngày 12/12/2016, VNM cũng được đem ra đấu giá 130,6 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), với mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu. Lần đó, chỉ có 2 tổ chức đăng ký mua và theo quy định tối đa thì không mua hết số cổ phần đấu giá. Tóm lại là VNM đã “ế” trong lần bán cuối năm 2016.
Một năm sau, ngày 10/11/2017, VNM lại được đem 48,3 triệu cổ phần ra đấu giá và lần này giá sàn được nâng lên 151.200 đồng. Sau 1 năm, giá VNM tăng thêm 5% cũng không phải là điều gì ghê gớm. Khác biệt chính là ở chỗ đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn.
Cụ thể, trong khi lần đấu giá năm 2016 chỉ có 2 tổ chức tham gia và không có cạnh tranh thì năm nay có 9 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó, có 6 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, 5 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 8 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Khối lượng đặt mua 73.843.400 cổ phần, tương đương 153% tổng số cổ phần chào bán. Như vậy mức độ cạnh tranh trong đợt mua này đã cao hơn nhiều so với lần đấu giá trước. Do đó, việc VNM sẽ được mua cao hơn giá khởi điểm là chắc chắn.
Kết quả khá bất ngờ, đã có một tổ chức chấp nhận đặt giá mua rất cao, tới 186.000 đồng để mua luôn một lần toàn bộ số cổ phần được đem đấu giá. Như vậy giá mua của tổ chức này đã cao hơn 24% so với giá khởi điểm. Thậm chí giá này còn cao hơn 7% so với giá giao dịch trên thị trường thứ cấp tại ngày hôm đó của VNM.
Việc tổ chức đầu tư định giá VNM cao hơn thị trường là điều không lạ. Việc cao hơn giá thị trường 7% là chênh lệch cần thiết để mua được trọn lô cổ phiếu lớn. Tuy nhiên với mức chấp nhận giá cao hơn hẳn những nhà đầu tư khác, rõ ràng tổ chức mua VNM lần này đang chịu áp lực giải ngân lớn. Thực tế nếu không chịu áp lực giải ngân, tổ chức hoàn toàn có thể kiên nhẫn mua VNM trên thị trường thứ cấp hoặc tìm cách mua thỏa thuận lại từ các tổ chức khác.
Điều này có thể thấy qua các lệnh chào mua khác trong phiên đấu giá đó. Ví dụ có lệnh mua 18,9 triệu cổ phiếu giá 155.100 đồng/cổ phiếu, lệnh mua 2,24 triệu cổ phiếu giá 152.000 đồng, hay lệnh mua 1 triệu cổ phiếu giá 155.700 đồng. Mức giá dưới giá trúng thầu khá tương đồng với giá thị trường của VNM. Đó là quan điểm về giá của các tổ chức không chịu áp lực giải ngân bằng được.
Kỷ lục của vốn ngoại trên thị trường chứng khoán
Không chỉ tham gia mua lớn ở đợt đấu giá cổ phần VNM ngày 10/11/2017, cũng trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư nước ngoài còn mua cực lớn VNM thẳng trên sàn thứ cấp. Như vậy rất có thể chính tổ chức mua VNM qua đấu giá cũng đang cố gắng mua thêm VNM trên thị trường.
Cụ thể, tổ chức nước ngoài đã mua 8,58 triệu cổ phiếu VNM trên thị trường, tương đương giá trị 1.456,9 tỷ đồng. Tính chung cả tuần đó, VNM được mua ròng hơn 1,518 tỷ đồng, tương đương hơn 9 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu VNM trong tuần đó đã tăng 12%. Một lần nữa có thể thấy nguyên nhân mà tổ chức nước ngoài chấp nhận giá đấu rất cao để mua 48,3 triệu cổ phiếu VNM trong một lần duy nhất: mới mua được 9 triệu cổ phiếu mà giá đã tăng 12% thì để mua 48 triệu cổ phiếu trên sàn gần như là không thể thực hiện được.
Ngoài VNM, hai tuần đầu tháng 11 cũng chứng kiến những thương vụ chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán. Đó là VRE, cổ phiếu mới lên sàn, đã được chuyển nhượng ròng 136,3 triệu cổ phiếu tương đương 5.527,9 tỷ đồng giá trị.
Hai thương vụ kỷ lục của tổ chức nước ngoài nói trên cho thấy áp lực giải ngân lớn đang hiện hữu. Thực tế nhu cầu tham gia thị trường của các tổ chức nước ngoài luôn cao, nhưng địa chỉ để giải ngân lại không dễ. Trong hai thương vụ trên, một là VNM với thị phần chi phối thị trường sữa, một là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản thương mại.
Chính nhờ hai thương vụ khổng lồ nói trên, nên hai tuần đầu của tháng 11 đã ghi nhận một kỷ lục mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu như cả 10 tháng đầu năm 2017 đã là một kỷ lục với hơn 12.100 tỷ đồng giá trị vốn ròng mà nhà đầu tư nước ngoài rót vào thị trường, thì hai tuần đầu tháng 11 đã có thêm tới 8.619 tỷ đồng nữa. Năm 2017 chắc chắn sẽ là năm mà dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam lớn chưa từng có trong lịch sử.
Cùng với mức gia tăng rất lớn của dòng vốn ngoại cũng như thanh khoản chung của thị trường, chỉ số VN-Index cũng chinh phục các đỉnh cao mới và gần lấy lại toàn bộ mức giảm tính từ đầu năm 2008. Đúng 10 năm khi dòng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam thì nay, dòng vốn này đang quay lại cũng với quy mô lớn gấp nhiều lần.