“Kỉ luật”: Có thể hiểu là tổng thể những quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức, để bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức
Khi nhắc đến hai từ "kỉ luật", chắc hẳn không ít người nghĩ đến những khuôn khổ, những gò ép, không tự do, không thoải mái, khó chịu, bực mình… Nhưng có một sự thật mà có thể bạn không biết, đó là người tự kỉ luật tự do nhiều hơn người vô kỉ luật.
Chẳng hạn, buổi tối, họ sẽ có 1 tiếng rưỡi đồng hồ để ăn cơm, trò chuyện cũng như dọn dẹp sau bữa ăn, sau đó là 2 giờ đọc sách, 1 giờ xem lại công việc và lên kế hoạch cho ngày mai. Một khi, sự kỉ luật trở thành thói quen thì họ cảm thấy mọi điều ngăn nắp, họ thoải mái và thỏa trí trong từng công việc họ làm. Chẳng phải làm điều mình mong muốn thì được gọi là tự do đấy sao? Họ sẽ chẳng cần phải rối tung rối mù để nghĩ xem tiếp sau đó mình nên làm việc gì hay mình cần phải kéo dài công việc nhàm chán mình làm trong bao lâu nữa.
Hơn thế, một khi lên kế hoạch những hoạt động mình cần làm, con người ta sẽ có sự tập trung hơn cả và chẳng bao giờ phải nuối tiếc vì những gì mình đã không làm. Còn một số bạn thì sao? Ngủ dậy trước giờ cần đi làm 15 phút, vội vội vàng vàng đánh răng rửa mặt, mặc quần áo rồi phi xe đến Xí Nghiệp, ngồi làm việc chưa được vài phút thì bụng đói lại ngó nghiêng trốn việc để đi ăn cái gì đó cho "ấm bụng".
Một ngày làm việc như thế, bạn quả là một người vô trách nhiệm với cuộc sống của mình! Chẳng có gì đáng tự hào cả. Bạn thấy đấy, bạn làm mọi thứ trong gấp gáp và trong cả nỗi sợ hãi. Rồi một ngày nào đó, của 1 năm, 2 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm, chắc chắn bạn sẽ thấy những điều khác biệt. Người tự kỉ luật ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, đi trên con đường danh vọng. còn một số bạn, vẫn giậm chân tại chỗ, ngày qua ngày chờ đợi: "Bao giờ sếp tăng lương cho em?.
Giám đốc Xí nghiệp Cao su Đồng Nai trong bài viết trên báo tường mừng xuân năm 2018 đã từng nhấn mạnh ý rằng: Từng lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cần nâng cao hơn nữa tinh thần tuân thủ kỉ luật, cam kết, trách nhiệm, nghiêm khắc loại bỏ các thói quen xấu làm trì trệ bộ máy. Với tinh thần trên, Giám đốc yêu cầu cán bộ quản lý các phòng, xưởng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở nhằm đôn đốc thực hiện nội quy lao động, quy định báo cáo và tính cam kết trong công việc, phát huy hình ảnh con người Casumina có trách nhiệm và tác phong chuyên nghiệp và khẩu hiệu “Những yêu cầu chính đáng của công nhân viên là mệnh lệnh đối với cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ” là không phải nói suông mà là mệnh lệnh cho tất cả CBCNV Xí nghiệp trong việc thực hiện kỉ luật, từng bước xây dựng “kỉ luật” trở thành “văn hóa doanh nghiệp”.
Collins, tác giả cuốn “Good to Great” trả lời cho câu hỏi làm thế nào mà những công ty tốt, bình thường, thậm chí đang ở tình trạng tồi tệ lại có thể vượt trội thành vĩ đại đó chính là yếu tố “ Văn hóa kỉ luật”. Kết luận đưa ra từ sự kiểm chứng trên 28 công ty hàng đầu thế giới có kết quả kinh doanh vĩ đại (lợi nhuận cổ phiếu tích lũy cao hơn thị trường chung ít nhất 7 lần trong 15 năm và gấp đôi so với các đại gia khác trên thế giới).
Jim Collins cho rằng: Mọi công ty đều có văn hoá riêng, một số công ty có kỉ luật, nhưng ít công ty có được văn hoá kỉ luật. Khi bạn có trong tay những con người kỉ luật, bạn không cần phải có hệ thống cấp bậc. Khi bạn có tư tưởng kỉ luật, bạn không cần có hệ thống thủ tục. Khi bạn có được hành động kỉ luật, bạn không cần phải giám sát chặt chẽ. Khi bạn kết hợp được văn hoá kỉ luật với tinh thần dám nghĩ dám làm, bạn đã có trong tay công thức đạt hiệu suất vĩ đại.
“Kỉ luật” – một từ nghe khô khan nhưng lại là khí chất không thể thiếu để đảm bảo thành công cho bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào. Một cá nhân không thể thành công nếu từng ngày anh ta bỏ qua các mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống, công việc và cô lập mình trong những mớ nhu cầu hỗn độn và tính khí lười nhác. Một đội bóng không thể thành công nếu từng cầu thủ không tuân thủ lịch luyện tập và nội quy sân cỏ. Một trường học không thể có phong trào học tập tốt nếu từng học sinh, giáo viên không tuân thủ nề nếp kỉ luật và chuyên cần. Tổ chức, doanh nghiệp không thể đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận nếu từng nhân viên không bám sát kế hoạch, chiến lược đặt ra, có trách nhiệm cam kết trong công việc và tuân thủ quy trình lao động.
Chính vì thế, xin hãy nhớ: Không phải người xuất sắc mới tự kỉ luật mà là tự kỉ luật rồi mới trở thành người xuất sắc. Muốn thành công, không khó, chỉ cần kiên trì. Chính mình sẽ trở thành hình tượng mình yêu thích, sống cuộc đời mình mong muốn, chỉ cần bản thân quyết tâm tự kỉ luật. Càng chăm chỉ, càng nỗ lực, càng kỉ luật, càng xuất sắc. Tương lai là của mình, tự do là của mình.