Chốt phiên giao dịch ngày 4/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng thêm 20 cents tương ứng 0,5% lên 39,99 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 12 cents lên 37,41 USD/thùng.
Giá dầu thô biến động nhẹ trong bối cảnh giới đầu tư đợi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh ra quyết định chính thức về việc liệu có tiến hành kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác hay không.
Hiện nay, các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ đang thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác cao kỷ lục, lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát; dự kiến mức cắt giảm khổng lồ này sẽ được duy trì đến cuối tháng 6/2020.
Liên minh OPEC+ hiện đang thảo luận thời điểm sẽ tổ chức nhóm họp; trước đó, Algeria – quốc gia đang giữ vai trò Chủ tịch luận phiên của khối OPEC đã đề xuất nhóm họp sớm vào ngày 4/6 thay vì dự kiến ngày 9 – 10/6 nhằm hỗ trợ các quốc gia khai thác dầu lớn nhất khối OPEC như Ả-rập Xê-út, Kuwait và Iraq xác định giá bán dầu thô cho các đối tác.
Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út và Nga, 2 quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+, đã đồng ý kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác. Tuy nhiên, các phiên trao đổi giữa các thành viên của liên minh OPEC+ cho thấy một số quốc gia không sẵn sàng cho việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa.
Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng không lên kế hoạch cho việc tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,8 triệu thùng/ngày sau tháng 6/2020 cho thấy nguồn cung dầu thô ra thị trường sẽ tăng lên trong các tháng tới đây.
Liên minh OPEC+ cũng lo ngại hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới, đây cũng là một trong những lý do khiến Ả-rập Xê-út và Nga chỉ ủng hộ việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 tháng thay vì trong khoảng thời gian dài hơn.
Trong khi đó, các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ nhiên liệu tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng lên, qua đó phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này vẫn tiếp tục ở mức yếu trước các tác động của đại dịch Covid-19.
Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết thị trường dầu mỏ thế giới có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 3 – 5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7 tới đây.