Hãng tin Reuters cho biết cà phê mã COFVN-DAK hiện được nông dân tại khu vực Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán tại mức 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, không đổi so với mức giá cuối tuần trước trong bối cảnh nguồn cung cà phê trên thị trường ở mức thấp.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (3/5), giá cà phê Robusta giao tháng 9/2020 trên thị trường thế giới đã tăng 20 USD tương ứng 2% lên mức 1.218 USD/tấn. Hiện giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ mã COFVN-G25-SAI được các thương nhân kinh doanh cà phê tại Việt Nam chào giá tại mức 1.418 USD/tấn, cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với giá cà phê giao tháng 9/2020 và cao hơn khoảng 200 USD – 220 USD/tấn đối với giá cà phê giao tháng 7/2020.
Hãng tin Reuters dẫn lời một thương nhân kinh doanh cà phê tại TP.Hồ Chí Minh cho biết “Nông dân đã từ chối bán ra nốt 2% - 5% sản lượng cà phê năm nay với mức giá hiện tại do giá cà phê hiện ở dưới chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa ra mức giá thu mua cao hơn trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tăng trở lại và đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Các thương nhân cũng như nông dân hiện đều không có lợi nhuận”.
Trong khi đó, một thương nhân kinh doanh cà phê khác tại khu vực Tây Nguyên cho biết mưa đã diễn ra tại đây trong vài tuần gần đây giúp cải thiện đáng kể tình hình gieo trồng cà phê, tuy nhiên việc hạn hán năm nay đến sớm hơn mọi khi có thể khiến diện tích gieo trồng cà phê niên vụ 2020/2021 bị thu hẹp.
Tại thị trường Indonesia, một thương nhân xuất khẩu cà phê cho biết giá cà phê Robusta tại tỉnh Lampung hiện cao hơn 350 USD/tấn so với mức giá cà phê giao tháng 7/2020 và tăng từ 290 USD – 300 USD/tấn so với mức trong tuần trước. Giá cà phê hiện nay tại Indonesia có xu hướng tăng mạnh trong tuần này do đồng USD hiện đang yếu hơn so với đồng nội tệ Rupiah trong khi đó giá cà phê được định giá bằng đồng USD trên thị trường quốc tế. Tính từ đầu tuần này đến nay, đồng Rupiah của Indonesia đã tăng hơn 3% so với đồng USD.
Dữ liệu chính thức của Indonesia cho thấy nước này đã xuất khẩu được 7.966,2 tấn cà phê Robusta được trồng tại tỉnh Lampung, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Lampung hiện là khu vực trồng cà phê Robusta lớn nhất Indonesia.