Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,2% lên 8,52 USD/giạ (27,2 kg) vào lúc 10h22 sáng nay (ngày 3/6, theo giờ Việt Nam); giá đậu tương đang hướng đến phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 2/6), giá đậu tương đã bật tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây, đạt 8,56 USD/giạ.
Giá đậu tương trên thị trường Hoa Kỳ tăng cao chủ yếu do thông tin cho thấy các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã mua vào ít nhất 3 lô hàng đậu tương từ Hoa Kỳ trong ngày 1/6 mặc dù các nguồn tin hiện cho biết Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh nước này ngưng thu mua nông sản từ Hoa Kỳ. Đây được cho là động thái phản đối của Trung Quốc đối với việc Hoa Kỳ xem xét rút quy chế ưu đãi đặc biệt đối với đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà giao dịch Hoa Kỳ những lô hàng đậu tương được phía Trung Quốc thu mua trong ngày 1/6 có tổng khối lượng ít nhất 180.000 tấn; các lô hàng sẽ được giao từ tháng 10 đến tháng 11/2020 – đây là thời gian cao điểm của hoạt động xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ và giá đậu tương Hoa Kỳ thông thường sẽ ở mức thấp nhất trên thế giới.
Trong khi đó, giá lúa mì đã tăng 0,2% lên 5,09 USD/giạ (27,2 kg); giá ngô giảm 0,5% xuống còn 3,22-3/4 USD/giạ (25,4 kg). Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá lúa mì đã chịu áp lực giảm xuống khi các dữ liệu cho thấy tình hình canh tác lúa mì tại Hoa Kỳ được cải thiện; tình hình thời tiết tại khu vực Biển Đen và Châu Âu – những nơi canh tác lúa mì trên thế giới cũng chuyển biến tích cực.
Hãng tư vấn nông nghiệp Ukraina ProAgro cũng vừa nâng mức dự báo sản lượng lúa mì năm 2020 của Ukraina lên mức 74,43 triệu tấn so với mức 72,52 triệu tấn được đưa ra trước đó do tình hình thời tiết tại nước này đã được cải thiện.
Trên sàn CBOT, các quỹ đầu tư hàng hoá đã mua ròng các hợp đồng giao dịch đậu tương, dầu đậu nành, bã đậu tương và ngô nhưng bán ròng các hợp đồng giao dịch lúa mì trong phiên giao dịch ngày 2/6.