Việc Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng hỗ trợ thị trường trước các tác động của dịch virus Covid-19 đã giúp nâng đỡ giá dầu thô trong phiên giao dịch thứ Sáu (ngày 31/3), giá dầu thô Brent đã tăng 63 cents, chốt phiên giao dịch tại mức 33,85 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 23 cents lên mức 31,73 USD/thùng.
Giới đầu tư hiện kỳ vọng các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu sẽ giúp ổn định thị trường và phần nào giảm nhẹ sự sụt giảm của nhu cầu sử dụng dầu thô trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga nổ ra vào đầu tuần này (9/3) cùng với các thông tin tiêu cực về diễn biến dịch virus Covid-19 trên toàn cầu, tính chung cả tuần, giá dầu thô đã ghi nhận mức giảm kỷ lục. Tính chung cả tuần giao dịch (9/3 – 13/3), giá dầu thô Brent đã giảm 25% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; giá dầu thô WTI giảm 23% - đây cũng là mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ năm 2008.
Những thông tin mới nhất cho thấy Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) sẽ gia tăng mạnh sản lượng khai thác kể từ tháng 4/2020 sau khi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác giữa 14 nước thành viên khối OPEC do Ả-rập Xê-út đứng đầu và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu hết hiệu lực. Tổng lượng dầu thô tăng thêm được Ả-rập Xê-út và UAE đưa ra thị trường trong tháng 4/2020 sẽ là 3,6 triệu thùng tương đương 3,6% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Nga cũng cho biết nước này sẽ gia tăng sản lượng khai thác thêm từ 300.000 thùng – 500.000 thùng/ngày trong thời gian tới. Giới phân tích nhận định Nga hiện không muốn đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác; điều này càng làm tăng sự bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga.
Việc các quốc gia đẩy mạnh khai thác dầu thô kết hợp với sự suy yếu nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu vì dịch virus Covid-19 có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung đến 4 triệu thùng dầu/ngày tương đương 4% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Các chuyên gia cảnh báo nếu dịch virus Covid-19 kéo dài cùng với sự gia tăng mạnh của nguồn cung dầu thô thì kịch bản giá dầu thô giảm xuống còn 20 USD/thùng là điều hiện hữu. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô sụt giảm mạnh sẽ buộc các hãng sản xuất có chi phí khai thác cao phải cắt giảm sản lượng khai thác như các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ.
Theo khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia dự báo mức giá trung bình của dầu thô Brent trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 42 USD/thùng, giảm mạnh so với mức dự báo 60,63 USD/thùng được đưa ra trong khảo sát hồi tháng 2/2020.