Giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 67 cents tương ứng 2% xuống còn 32,55 USD/thùng vào lúc 8h26 sáng nay (ngày 13/3, theo giờ Việt Nam). Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (12/3), giá dầu thô Brent đã sụt giảm mạnh 7%. Tính từ đầu tuần giao dịch đến nay (9/3), giá dầu thô Brent đã giảm tới 28% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ thời điểm chiến tranh Vùng Vịnh lần 1. Khi chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 bùng nổ, giá dầu thô Brent trong tuần giao dịch từ ngày 18/1/1991 đã giảm 29%.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng đã giảm 66 cents tương ứng 2,1% xuống mức 30,84 USD/thùng; trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô WTI mất tới 1 USD/thùng. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI đã giảm 4,5%. Tính từ đầu tuần giao dịch đến nay, giá dầu thô WTI đã giảm 25% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong tuần bắt đầu từ ngày 19/12/2008, sự sụp đổ của thị trường tài chính toàn cầu đã khiến giá dầu thô WTI giảm 25%.
Giá dầu thô trong ngày 12/3 cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi các thị trường tài chính toàn cầu giảm điểm mạnh khi giới đầu tư bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, các sàn chứng khoán chính đã ghi nhận mức giảm điểm mạnh nhất kể từ thời điểm “Thứ Hai đen tối” vào năm 1987. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng đã rơi tự do 10%.
Dư cung dầu thô giá rẻ
Giá dầu thô hiện chịu nhiều áp lực giảm từ cả phía cung và cầu. Về phía cầu, thị trường ngày càng lo ngại hơn về sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch virus Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Một số nhà phân tích cảnh báo việc nâng cấp mức độ dịch có thể khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn, gây ra gián đoạn các hoạt động kinh tế và kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.
Trong ngày 11/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố ngưng mọi hoạt động di chuyển từ Châu Âu, trừ nước Anh đến Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày do dịch virus Covid-19 đang lây lan nhanh tại đây; đồng thời, kêu gọi người dân Hoa Kỳ hạn chế du lịch nếu không cần thiết.
Trước đó, vào ngày 10/3, Italy đã áp đặt lệnh phong toả trên toàn quốc, yêu cầu 60 triệu người dân nước này ở nhà và hạn chế ra ngoài. Tính đến ngày 13/3, số ca tử vong do dịch virus Covid-19 tại Italy đã vượt ngưỡng 1.000 và nước này trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Về phía nguồn cung dầu thô, tiếp theo sau Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã cho biết nước này sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thô lên mức 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 và sẽ đẩy mạnh lên mức 5 triệu thùng/ngày trong tương lai gần. Trước đó, UAE đặt mục tiêu khai thác 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út cũng sẽ nâng mức sản lượng khai thác lên mức 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020, tiến tới là lên mức 13 triệu thùng/ngày “nhanh nhất có thể” so với mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Tính chung lượng dầu thô gia tăng cung ứng ra thị trường trong tháng 4/2020 của Ả-rập Xê-út và UAE sẽ là 3,6 triệu thùng tương đương 3,6% tổng sản lượng khai thác dầu thô trung bình ngày của toàn cầu. Giới phân tích cho biết một số quốc gia Vùng Vịnh thuộc khối OPEC do Ả-rập Xê-út đừng đầu vẫn còn dư địa để nâng thêm sản lượng khai thác và sẽ khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng dư cung.
Không chỉ nâng sản lượng khai thác, Ả-rập Xê-út còn giảm giá bán dầu thô tháng 4/2020 thêm từ 6 – 8 USD/thùng; đây là mức giảm giá mạnh nhất của nước này trong gần 20 năm trở lại đây.Những động thái này càng khiến giới đầu tư lo ngại thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ bị “tràn ngập” bởi các nguồn cung dầu giá rẻ.
Hãng tư vấn rủi ro kinh tế - chính trị Eurasia Group nhận định cuộc chiến giá dầu bùng nổ giữa Ả-rập Xê-út và Nga kết hợp với sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 có thể khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu dư cung 4 triệu thùng/ngày – tương đương 4% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trước thời điểm xảy ra dịch virus Covid-19.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu dịch virus Covid-19 còn diễn biến kéo dài cùng với việc khối OPEC và các nước sản xuất dầu thô đồng minh, bao gồm Nga không đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác thì kịch bản giá dấu thô giảm về ngưỡng 20 USD/thùng là điều hiện hữu.