Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (11/3), giá dầu thô Brent đã giảm 1,43 USD/thùng tương đương 3,8% xuống mức 35,79 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 1,38 USD/thùng tương ứng 4% xuống còn 32,98 USD/thùng.
Giá dầu thô sụt giảm trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus Covid-19 trên toàn cầu tăng cao đồng thời nhiều quốc gia ban hành lệnh hạn chế di chuyển để giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Điều này đã khiến thị trường lo ngại các hoạt động kinh tế sẽ bị hạn chế, kéo theo đó là sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô. Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là tại Hoa Kỳ giảm điểm mạnh ngay trước giờ đóng cửa giao dịch thị trường dầu thô cũng khiến giá dầu thô chịu áp lực giảm.
Hiện Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đều đã giảm dự báo nhu cẩu sử dụng dầu thô trong năm 2020 trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều quốc gia đã khiến tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu quý 1/2020 ở mức âm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 1/2020 đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Gia tăng sản lượng khai thác
Bên cạnh các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19, giá dầu thô hiện còn chịu áp lực mạnh từ cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út, Nga và Hoa Kỳ. Trong ngày 11/3, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (U.A.E) – thành viên của khối OPEC cho biết nước này sẽ nâng công suất khai thác dầu lên mức 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 và tiếp tục đẩy mạnh lên mức 5 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.
Trước đó, vào ngày 9/3, Ả-rập Xê-út cho biết sẽ đẩy mạnh khai thác lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020 nhằm cạnh tranh thị phần với Nga và Hoa Kỳ. Tính chung mức sản lượng khai thác tăng thêm của Ả-rập Xê-út và U.A.E trong tháng 4/2020 sẽ đạt 3,6 triệu thùng/ngày tương đương 3,6% tổng sản lượng khai thác dầu thô/ngày của toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định một số quốc gia Vùng Vịnh khác cũng có thể sẽ nâng mức sản lượng khai thác trong thời gian tới. Các số liệu cho thấy các quốc gia Vùng Vịnh và khu vực Bắc Phi vẫn còn dư địa để nâng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày. Đáp trả lại động thái gia tăng sản lượng của khối OPEC, Nga cũng cho biết nước này sẽ gia tăng sản lượng khai thác thêm từ 300.000 – 500.000 thùng/ngày.
Trong ngày 11/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak chỉ trích việc Ả-rập Xê-út gia tăng sản lượng khai thác chỉ khiến tình hình trên thị trường trở nên tồi tệ hơn và đây "không phải là giải pháp tốt nhất". Ông Alexander Novak cũng cho biết Nga vẫn sẵn lòng đối thoại với OPEC trong việc bình ổn thị trường dầu thô.
Đáp lại phản ứng của Nga, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh không cần quay lại thảo luận nếu như các bên không đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu thô trước các tác động của dịch virus Covid-19. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết hiện nay "Nga không muốn cắt giảm sản lượng khai thác".
Bế tắc giải pháp
Nga cho rằng việc khối OPEC và Nga cũng như các nước khai thác dầu thô đồng minh buộc phải cắt giảm sản lượng khai thác để cứu giá dầu thô không có tác dụng trong bối cảnh Hoa Kỳ liên tục gia tăng sản lượng khai thác. Trong khi đó, Ả-rập Xê-út không muốn phải gánh trách nhiệm chính trong việc bình ổn thị trường dầu thô. Nga và Ả-rập Xê-út hiện đều lo ngại sẽ mất thị phần trong bối cảnh Hoa Kỳ đã chuyển vị thế từ một nước nhập khẩu ròng sang xuất khẩu dầu thô và mức xuất khẩu đang tăng dần qua các năm nhờ sự mở rộng của khai thác dầu đá phiến.
Hiện sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đã cao hơn sản lượng khai thác của Ả-rập Xê-út cũng như Nga. Các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ cũng được tự do điều chỉnh kế hoạch khai thác do luật pháp Hoa Kỳ ngăn cấm các công ty khai thác năng lượng nước này tham gia các liên minh kiểm soát thị trường như sự hợp tác giữa Nga và khối OPEC.
Cũng trong ngày 11/3, tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Saudi Aramco của Ả-rập Xê-út cho biết đang lên kế hoạch nâng sản lượng khai thác lên mức 13 triệu thùng/ngày "nhanh nhất có thể" theo yêu cầu của Bộ Năng lượng Ả-rập Xê-út. Saudi Aramco là một trong những tập đoàn khai thác năng lượng lớn nhất thế giới theo quy mô doanh thu.
Trong khi đó, việc sụt giảm mạnh giá dầu thô và sự hoảng loạn kéo dài của thị trường tài chính đã buộc một số doanh nghiệp khai thác dầu thô của Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến lên kế hoạch cắt giảm sản lượng khai tác.
Theo tính toán của các chuyên gia, các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ cần giá dầu thô đạt ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn; con số này với Nga là 31,9 USD/thùng và với Ả-rập Xê-út là 17 USD/thùng.