Tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 từ mức 2,9% xuống còn 2,4% trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.
OECD cũng cảnh báo nếu như dịch bệnh “kéo dài và diễn biến phức tạp hơn”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,5%. Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết các quốc gia cần có các biện pháp can thiệp kịp thời nếu không dịch bệnh sẽ khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chứng khoản toàn cầu “rơi tự do”
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đã trở nên hoảng loạn khi dịch bệnh bùng phát tại hàng loạt quốc gia, bao gồm nhiều nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và khu vực Châu Âu chỉ trong thời gian ngắn. Tình trạng bán tháo diễn ra tại hầu hết các sàn chứng khoán lớn trên toàn cầu.
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2/2020 (24 – 28/2) đã trở thành tuần tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với 5.000 tỷ USD bị “thổi bay” khỏi thị trường. Các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đều phát tín hiệu sẽ can thiệp thị trường để giúp nền kinh tế chống lại các tác động của dịch bệnh.
Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khẩn cấp cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ. Đây là mức cắt giảm mạnh nhất và là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất khẩn cấp kể từ năm 2008. Về mặt lý thuyết, lãi suất thấp sẽ giúp giảm chi phí sử dụng vốn và khuyến khích chi tiêu tăng lên để giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất thu hẹp
Khối sản xuất của Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng hoạt động sản xuất toàn cầu và hiện là quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy tại Trung Quốc đã buộc phải ngưng hoạt động trong thời gian vừa qua để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đã giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính phát thải tại khu vực Trung Quốc.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các tiêu chí kiểm dịch và khuyến khích các hoạt động sản xuất quay trở lại càng sớm càng tốt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cho biết vẫn chưa thể tiến hành hoạt động được do thiếu hụt nhân lực, không tiếp cận được nguồn nguyên liệu hoặc không vận chuyển được hàng hoá do các lệnh hạn chế di chuyển vẫn được áp dụng tại nhiều nơi.
Trong tháng 2/2020, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc chỉ đạt 35,7 điểm – mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được áp dụng. Chỉ số PMI – chỉ số tổng hợp kết quả hoạt động của ngành sản xuất đạt trên 50 điểm phản ánh các hoạt động sản xuất được mở rộng và ngược lại.
Đáng chú ý, chỉ số hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 27,8 điểm, giảm gần 50% so với mức 51,3 điểm của tháng 1/2020. Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng chỉ đạt 29,3 điểm, so với mức 51,4 điểm của tháng 1/2020.
Sức mua giảm mạnh
Tâm lý lo ngại sự lây lan của dịch virus Covid-19 đã khiến người tiêu dùng hạn chế các hoạt động ngoài trời hoặc tại những nơi đông người như mua sắm tại các trung tâm thương mại. Việc người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn, hạn chế di chuyển đã khiến lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, bán lẻ, du lịch và nhiều ngành hàng khác đối mặt với thua lỗ.
Đối với lĩnh vực xe ô tô, doanh số bán xe tại Trung Quốc trong nửa đầu tháng 2/2020 đã giảm 92%. Nhiều hãng sản xuất xe ô tô như Tesla hoặc Geely đã đẩy mạnh hoạt động bán xe ô tô trực tuyến trong bối cảnh khách hàng hạn chế đến các showroom.
Ngành du lịch thua lỗ nặng
Tính đến hết ngày 3/3, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm virus Covid-19. Hàng loạt quốc gia đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ vùng dịch. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo ngành du lịch toàn cầu có thể thiệt hại từ 22 tỷ đến 73 tỷ USD tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch virus Covid-19.
Trước đó, theo đánh giá của cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), sự bùng phát của dịch virus Covid-19 có thể khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại khoảng 80 tỷ USD và các hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc sẽ bị đình trệ cho đến ít nhất quý 2/2021.
Ngành du lịch của các nước ASEAN sẽ chịu thiệt hại lớn nhất do khu vực ASEAN thuộc top 20 địa điểm du lịch nước ngoài được người Trung Quốc ưa chuộng nhất. Dự báo lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đến khu vực ASEAN trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 30 % - 40%, gây thiệt hại khoảng 7 tỷ USD cho toàn ngành du lịch khối ASEAN, theo EIU.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kêu gọi các quốc gia tránh áp dụng các biện pháp y tế gây ra “sự can thiệp không cần thiết đối với hoạt động vận chuyển và thương mại quốc tế”. WTO cũng cho rằng các biện pháp hạn chế du lịch đang được các quốc gia áp dụng cần được cân nhắc để đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với ngành du lịch.
Giá vàng tăng cao kỷ lục
Giá vàng đã tăng vọt, chạm mức 1.682,35 USD/ounce vào cuối tháng 2/2020 – mức giá cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều bất ổn do dịch virus Covid-19 gây ra, dòng tiền đầu tư đã được chuyển hướng vào vàng - kim loại thường được giới đầu tư coi là “nơi trú ấn” trước các biến động của thị trường và đẩy giá vàng tăng cao.
Khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo nếu dịch virus Covid-19 kéo dài đến quý 2/2020, giá vàng có thể đạt mức 1.800 USD/ounce.