Trong ngày 3/3, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 trong bối cảnh tính đến hết ngày 4/3 đã có 118 ca nhiễm và 9 ca tử vong vì virus Covid-19 tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn.
Theo đó, FED đã giảm mức lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất về mức 1% - 1,25%. Trong thông báo của FED, mặc dù các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ở mức tốt nhưng “ dịch virus Covid-19 đang ngày càng tạo ra những rủi ro lớn hơn đối với các hoạt động kinh tế”.
Ngay sau khi quyết định cắt giảm lãi suất được FED công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng tích cực. Chỉ số S&P 500 đã tăng 38,33 điểm, tương đương 1,24%. Trong khi đó, chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,2% và 1,12%.
Quyết định cắt giảm lãi suất được FED đưa ra trước cuộc họp chính sách thường kỳ dự kiến diễn ra từ 17 – 18/3 cho thấy tình trạng khẩn cấp về kinh tế, buộc cơ quan này phải hành động nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo diễn ra sau quyết định cắt giảm lãi suất, các phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell có thể cho thấy tác động của dịch virus Covid-19 đến Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể nghiêm trọng hơn những gì các con số về số người nhiễm bệnh và tử vong thể hiện.
Ông Jerome Powell cho biết “Chúng tôi (FED) đã thấy các rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ và quyết định hành động”. Mới chỉ cách đây 1 tuần, các quan chức cấp cao của FED đều giữ lập trường sẽ không cắt giảm lãi suất mặc dù có rủi ro từ dịch virus Covid-19.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, FED thực hiện việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp trước các cuộc họp chính sách thường kỳ và cũng là lần có mức cắt giảm lãi suất nhiều nhất. Hoa Kỳ hiện đang có mạch tăng trưởng kéo dài kỷ lục 11 năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, việc nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đồng loạt phát tín hiệu về việc đang chuẩn bị các biện pháp can thiệp thị trường nhằm giúp các nền kinh tế chống đỡ với tác động từ dịch virus Covid-19 cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu hiện ở mức xấu.
Trong ngày 3/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 có thể chỉ đạt 2,4% - mức thấp nhất kể từ năm 2009 và nếu dịch bệnh “kéo dài và diễn biến phức tạp”, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt mức thấp kỷ lục 1,5%.
Khi đề cập đến những tác động tiềm tàng của dịch bệnh, ông Jerome Powell nhận định “Tôi không nghĩ có ai sẽ biết rõ dịch bệnh kéo dài bao lâu. Nhưng tôi biết nền kinh tế Hoa Kỳ hiện đang ở mức tốt với mức tăng trưởng vững chắc và thị trường lao động tốt. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất sẽ không giúp chữa khỏi sự nhiễm bệnh hoặc sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng nhưng nó sẽ giúp tăng niềm tin của các hộ gia đình và các doanh nghiệp”.
FED hiện không đưa ra thông tin nào về các động thái tiếp theo để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch virus Covid-19. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hiện dự báo 60% khả năng FED sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào cuộc họp thường kỳ tháng 4/2020.