Sau khi giảm mạnh kỷ lục trong ngày 9/3, giá dầu thô đã bật tăng trở lại trong ngày 10/3. Chốt phiên giao dịch ngày 10/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng mạnh 2,86 USD/thùng tương ứng 8,3% lên mức 37,22 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 3,23 USD/thùng tương ứng 10,4% lên mức 34,36 USD/thùng. Trong ngày 9/3, giá dầu thô Brent lẫn dầu thô WTI đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Yếu tố Trung Quốc
Giới phân tích nhận định sự bật tăng trở lại của giá dầu thô trong ngày 10/3 chủ yếu do nhiều nhà đầu tư bắt đáy giá dầu, gia tăng mua vào khi giá dầu thô chạm mức thấp kỷ lục. Mức giảm 25% trong ngày 9/3 là mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ ngày 17/1/1991 – thời điểm bùng phát cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng được hỗ trợ từ một số tin tức tốt về tình hình dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc.Trong ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đến thăm thành phố Vũ Hán – tâm điểm dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc cũng như lệnh phong toả tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) được nới lỏng có thể cho thấy dịch bệnh đã dần được kiểm soát hiệu quả tại đây.
Số ca nhiễm virus Covid-19 mới tại Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng liên tục ở mức thấp kỷ lục so kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 1/2020. Các thông tin này đã giúp giới đầu tư kỳ vọng các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ nhanh chóng quay trở lại mức bình thường sau thời gian dài bị đình trệ, giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dầu thô. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Thị trường hiện cũng kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của một số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ giảm bớt tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19, qua đó giúp duy trì nhu cầu sử dụng dầu thô. Trong ngày 9/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố sẽ “có những biện pháp mạnh” để giúp nền kinh tế Hoa Kỳ chống đỡ với các tác động của dịch virus Covid-19. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch tung gói chi tiêu khẩn cấp thứ hai trị giá 4 tỷ USD để kích thích nền kinh tế nước này.
Giằng co Ả-rập Xê-út và Nga
Khối lượng giao dịch các hợp đồng dầu mỏ trên thị trường trong ngày 10/3 đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục trong ngày 9/3. Trong ngày 9/3, sau khi Ả-rập Xê-út phát tín hiếu khởi đầu một cuộc chiến dầu thô, giành thị phần với Nga, thị trường dầu mỏ đã trở nên hoảng loạn và giới đầu tư tìm cách bán tháo khối lượng lớn các hợp đồng dầu mỏ đang nắm giữ.
Sau khi không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác với Nga vào ngày 6/3, Ả-rập Xê-út đã tuyên bố hạ giá bán dầu thô tháng 4/2020 với mức giảm từ 6 – 8 USD/thùng; đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nước này cũng dự kiến nâng sản lượng khai thác từ mức 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020, theo ông Amin Nasser, CEO tập đoàn dầu khí quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco.
Việc gia tăng sản lượng tối đa của Ả-rập Xê-út cũng như một số quốc gia khai thác dầu thô khác có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung và làm xói mòn hơn nữa các yếu tố cơ bản hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ năm 2009 do các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô đã ảnh hưởng xấu đến ngành khai thác dầu khí của Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến. Theo tính toán của giới phân tích, các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ cần giá dầu thô đạt ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn. Dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh trong tháng 4/2020 khi nhiều hãng khai thác tại đây phải cắt giảm công suất để giảm mức lỗ.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak vừa cho biết Nga không có ý định phá vỡ sự hợp tác giữa nước này với khối OPEC trong việc bình ổn thị trường dầu mỏ. Ông Alexander Novak cũng cho biết phiên họp tiếp theo giữa khối OPEC và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh, bao gồm Nga (khối OPEC+) dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng tháng 5 hoặc tháng 6/2020.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh không cần nhóm họp nếu không có thoả thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu thô trước các tác động của dịch virus Covid-19.
Ông Bjoernar Tonhaugen, Trưởng ban phân tích thị trường dầu mỏ của hãng tư vấn năng lượng Rystad, nhận định giá dầu thô sẽ còn diễn biến phức tạp trong các phiên giao dịch tới với một số phiên giảm giá xen lẫn với các phiên tăng giá. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang bùng phát mạnh tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) và có thể khiến một số nền kinh tế Châu Âu rơi vào suy thoái.
Trong ngày 10/3, Italy đã quyết định phong toả toàn quốc - hơn 60 triệu người dân buộc phải ở nhà khi nước này đã ghi nhận hơn 9.100 ca nhiễm virus Covid-19 và trở thành ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu.