Hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Italy đang cân nhắc việc phong toả toàn bộ vùng Lombardy. Đây là động thái mới nhất của Italy nhằm ngăn chăn việc lây lan dịch virus Covid-19 ttrong bối cảnh số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này đã lên 230 trường hợp và gần 6.000 ca nhiễm bệnh chỉ trong vòng 15 ngày kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận tại quốc gia này. Italy hiện là ổ dịch virus Covid-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran.
Việc phong toả dự kiến sẽ bao gồm việc cấm người đến và rời đi khỏi vùng Lombardy. Đây là khu vực kinh tế giàu nhất và đông dân nhất Italy với khoảng 10 triệu cư dân. Thủ phủ của vùng Lombardy là thành phố Milan – trung tâm tài chính của Italy. Toàn bộ các khu vực công cộng như bảo tàng, phòng tập thể dục, khu trượt tuyết, khu nghỉ dưỡng và bể bơi tại vùng Lombardy sẽ bị đóng cửa. Toàn bộ các trường học và đại học tại khu vực Lombardy sẽ bị đóng cửa đến ít nhất 3/4/2020. Lênh phong toả này cũng bao gồm các khu vực xung quanh thành phố Venice – thủ phủ du lịch của Italy.
Theo hãng CNBC, dự kiến lệnh phong toả sẽ có hiệu lực kể từ ngày Chủ nhật (8/3), tuy nhiên một số chính trị gia địa phương đã yêu cầu cần thêm thời gian để thảo luận lại các biện pháp phong toả.
Giới chức y tế Italy chịu áp lực lớn trong việc cân nhắc phong toả ngay lập tức các khu vực có người nhiễm dịch sau khi số ca nhiễm virus Covid-19 tại nước này tăng sốc 1.200 ca chỉ trong vòng 24h. Số ca nhiễm bệnh tại Italy chủ yếu đến từ Lombardy và Veneto – khu vục kinh tế - công nghiệp quan trọng nhất của Italy, đóng góp đến 30% tổng GDP và gần 50% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Italy.
Hiện tại Italy chỉ áp đặt việc phong toả giới hạn tại một số “khu vực đỏ” – khu vực đã có ca xác định dương tính với virus Covid-19 thuộc vùng Lombardy và Veneto. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu Italy không có các biện pháp chống dịch hiệu quả thì virus Covid-19 sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Italy vốn đã tiềm ẩn nhiều khó khăn.
Trong 20 năm trở lại đây, tăng trưởng GDP của Italy luôn thuộc nhóm thấp nhất của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Italy đã 3 lần rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” – 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức kinh tế đã cảnh báo Italy có thể rơi vào tình trạng suy thoái lần thứ 4 khi GDP quý 1/2020 sẽ ở mức yếu. Các tính toán mới nhất về tác động của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế Italy cho thấy tăng trưởng GDP quý 1/2020 của nước này sẽ giảm khoảng 0,5% đến 1%.
Chính phủ Italy đã công bố sẽ chi 8,5 tỷ USD để chống dịch virus Covid-19. Trong ngày 6/3, Italy cũng công bố kế hoạch điều động 20.000 bác sĩ và y tá để đối phói với dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp sắp tới có thể là đã quá muộn khi dịch bệnh tại Italy diễn biến phức tạp. Các bệnh viện tại quốc gia này đều rơi vào tình trạnh quá tải. Tính đến ngày 8/3, số bệnh nhân có tiên lượng xấu với dịch bệnh tại Italy đã tăng lên mức 567 ca, tăng 23% so với ngày 7/3.