Giá dầu thô Brent giảm 9,95 USD/thùng tương ứng 22% xuống còn 35,32 USD/thùng vào lúc 5h34 sáng (ngày 9/3, theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 8,99 USD/thùng tương ứng 21,8% xuống còn 32,29 USD/thùng. Đây là mức giảm mạnh nhất tính theo ngày của giá dầu thô kể từ năm 1991 sau khi Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, giảm mạnh giá bán dầu thô chính thức.
Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út sẽ đẩy mức sản lượng khai thác lên 10 triệu thùng/ngày trong tháng 4 ngay sau khi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác hiện tại giữa khối OPEC và Nga kết thúc. Trong tháng 12/2019, khối OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh đã thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô.
Trong đầu phiên giao dịch sáng nay, đã có lúc giá dầu thô Brent chỉ còn 31,02 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm về mức 30 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu thô tháng 2/2016.
Cuộc chiến giá dầu bùng nổ
Động thái mới nhất của Ả-rập Xê-út báo hiệu một cuộc chiến về giá và giành thị phần với Nga sau khi liên minh kiểm soát giá dầu thô kéo dài 3 năm giữa Ả-rập Xê-út và Nga tan vỡ. Trong ngày 6/3, Nga đã từ chối không đồng ý kế hoạch gia tăng cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô do khối OPEC với Ả-rập Xê-út đứng đầu đề xuất. 14 thành viên khối OPEC đã đề xuất 10 nước khai thác dầu thô đồng minh (khối OPEC+), đứng đầu là Nga, cùng cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng/ngày nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô trước các tác động của dịch virus Covid-19.
Kết thúc phiên họp ngày 6/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết với việc không đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác, kể từ ngày 1/4/2020, các quốc gia khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh sẽ không còn chịu bất kỳ quy định cắt giảm sản lượng nào và được khai thác “tuỳ ý”. Ông Alexander Novak cũng cho biết Nga sẵn sàng nâng công suất khai thác của nước này khi thoả thuận cắt giảm hiện tại hết hạn.
Giới phân tích dự báo giá dầu thô sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới khi các quốc gia sản xuất dầu thô lớn trên thế giới chuẩn bị một cuộc chiến về giá. Về lý thuyết, Ả-rập Xê-út có thể nâng công suất từ mức 9,7 triệu thùng/ngày hiện nay lên 12,5 triệu thùng/ngày. Các quốc gia khai thác dầu thô thuộc khối OPEC cũng đang lên phương án đẩy mạnh sản lượng khai thác.
Các dữ liệu cho thấy mức khai thác dầu thô hiện nay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi thấp hơn gần 2 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất kể từ năm 2018. Điều này cho thấy, các quốc gia còn nhiều dư địa để gia tăng mạnh nguồn cung dầu thô trong thời gian tới. Theo các nhà phân tích, các động thái của Ả-rập Xê-út và Nga cho thấy sự thay đổi lớn trong quan điểm từ việc ổn thị thị trường và hỗ trợ giá dầu thô tăng sang ưu tiên giành thị phần.
Ông Edward Bell, chuyên gia phân tích tại tập đoàn ngân hàng Emirates NBD, nhận định thị trường sẽ chứng kiến nguồn cung dầu thô gia tăng mạnh khi Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cùng các quốc gia khai thác dầu thô lớn trong khối OPEC gia tăng sản lượng khai thác kể từ quý 2/2020.
Giá dầu thô sụp đổ
Ông Ali Khedery, cựu cố vấn cấp cao khu vực Trung Đông của tập đoàn năng lượng Exxon, nhận định giá dầu thô hoàn toàn có thể giảm về mức 20 USD/thùng trong năm 2020. Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nền kinh tế lớn, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong quý 1/2020 được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sẽ lần đầu tiên giảm xuống kể từ năm 2009.
IEA cũng cảnh báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2020 sẽ còn giảm xuống nữa nếu như dịch bệnh không được khống chế kịp thời. Dịch virus Covid-19 đang khiến một số nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Châu Âu đối mặt với nguy cơ suy thoái cao và tạo ra rủi ro đáng kể đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những rủi ro kinh tế này sẽ phản ánh vào nhu cầu sử dụng dầu thô và cuối cùng là giá dầu trên thị trường.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc quyết định giá dầu khi sản lượng khai thác dầu thô của nước này ngày càng tăng cao. Hoa Kỳ cũng đã chuyển vị thế từ một nước nhập khẩu dầu thô sang xuất khẩu dầu thô trong vài năm gần đây và khiến nguồn cung dầu thô trên toàn cầu tăng lên. Hoa Kỳ cũng không tham gia bất kỳ liên minh kiểm soát giá dầu thô nào như OPEC, hoặc hợp tác kiểm soát giá dầu như khối OPEC – Nga.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ tự quyết định các kế hoạch sản xuất, liên minh kiểm soát giá dầu OPEC – Nga tan vỡ và dịch virus Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, cân bằng cung – cầu dầu thô trên toàn cầu sẽ bị phá vỡ và giá dầu thô dự báo sẽ giảm mạnh ít nhất trong 3 quý đầu năm 2020.
Các chuyên gia nhận định hiện vẫn còn quá sớm để xác định mức đáy của giá dầu thô và bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu thô lần này; tuy nhiên, các quốc gia khối OPEC sẽ chịu áp lực tài chính đáng kể khi giá dầu thô sụp đổ. Theo đánh giá của giới phân tích, việc giá dầu thô dao động quanh mốc 50 USD/thùng như các tuần trước đã khiến nhiều nước thuộc khối OPEC gặp khó khăn trong cân đối ngân sách. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Ả-rập Xê-út cần duy trì giá dầu thô ở mức 83,6 USD/thùng để cân bằng ngân sách nhưng Nga chỉ cần giá dầu thô ở mức 42,4 USD để đạt điều này.
Trước thềm cuộc họp khối OPEC và Nga (ngày 6/3), Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trong trường hợp giá dầu thô giảm về mức 40 USD/thùng.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo cuộc chiến dầu thô có thể giá dầu về mức 35 USD/thùng; nếu không có gì thay đổi, giá dầu thô sẽ đạt 40 USD/thùng trước khi phục hồi về mức trung bình 42 USD/thùng trong quý 2/2020. Trong khi đó, tập đoàn Emirates NBD dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt mức trung bình 45 USD/thùng; dầu thô WTI sẽ đạt trung bình 40 USD/thùng trong quý 2/2020.