Trong ngày 5/3, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) đã bất ngờ đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô lên đến 1,5 triệu thùng/ngày từ nay cho đến hết năm 2020. Đây là mức cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trước đó, hãng tin Reuters cho biết mức cắt giảm sản lượng khai thác đề xuất chỉ là 1 triệu thùng/ngày và việc cắt giảm sẽ chỉ diễn ra trong quý 2/2020. Vào đầu tháng 2/2020 – thời điểm dịch virus Covid-19 mới bùng phát chủ yếu tại Trung Quốc, OPEC đã đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác 600.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, khu vực Châu Âu khiến giá dầu thô giảm mạnh trong những tuần gần đây đã buộc khối OPEC phải có biện pháp hiệu quả để kìm hãm đà giảm của giá dầu thô.
Giữa tháng 2/2020, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong quý 1/2020 sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2009 trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của khối OPEC sẽ cần đạt được sự đồng thuận của 14 quốc gia thành viên và 10 quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh, gồm Nga (khối OPEC+). Phản ứng với đề xuất cắt giảm mạnh bất ngờ của OPEC, Nga và Kazakhstan cho biết không đồng ý với việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng do điều này có thể gây ra sự sụp đổ của liên minh kiểm soát khai thác dầu thô – khối OPEC+ như điều đã từng xảy ra hồi năm 2016.
Trong thời gian gần đây, Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC+, đã gia tăng sức ép để thuyết phục các nước thành viên khối OPEC+ đẩy mạnh mức cắt giảm sản lượng khai thác. Tuy nhiên, Nga – nước có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai khối OPEC+ chưa ra quyết định có đồng thuận cắt giảm sản lượng khai thác hay không. Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út hiện không muốn chịu trách nhiệm chínnh trong việc cắt giảm sản lượng khai thác.
Tính đến thời điểm hiện tại, khối OPEC+ đã phải cắt giảm sản lượng khai thác tới 2,1 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp, kéo theo sự suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.
Cũng trong ngày 5/3, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nước Nga đã sẵn sàng cho việc giá dầu thô giảm nếu như khối OPEC+ không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác.
Theo tính toán của Gary Ross, người sáng lập quỹ quản lý đầu tư năng lượng Black Gold Investors, nếu như các nước không đạt được thoả thuận cắt giảm và Ả-rập Xê-út khôi phục toàn bộ mức khai thác thì giá dầu thô có thể giảm xuống còn 25 USD – 30 USD/thùng. Hầu hết ngân sách quốc gia các nước thành viên khối OPEC đều gặp khó khăn khi giá dầu thô ở ngưỡng 50 USD/thùng như hiện nay.
Các chuyên gia cho biết Ả-rập Xê-út cần duy trì giá dầu thô ở ngưỡng 80 USD/thùng để đảm bảo ổn định ngân sách. Trong khi đó, Nga cho biết ngân sách nước này vẫn ở mức ổn cho dù giá dầu thô giảm xuống ngưỡng 40 USD/thùng.
Phiên họp thảo luận kế hoạch khai thác dầu thô giữa 14 quốc gia thành viên khối OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh, gồm Nga (khối OPEC+) dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 6/3.