Trong tuần trước, Viện Tài chính Quốc tế cảnh báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 có thể chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với mức 2,6% trong năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Dự báo của Viện Tài chính Quốc tế được đưa ra trước khi giá dầu thô sụt giảm hơn 25% vào thứ Hai tuần này (9/3), khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào tình trạng bán tháo hàng loạt. Tập đoàn tài chính toàn cầu Rabobank nhận định nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái và dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ chỉ đạt 1,6%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có nhận định lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,9% trong năm nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống mức 2,4%, giảm 0,5% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 11/2019. Vừa mới đây, ngày 6/3, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 2,4% xuống mức 2,1%.
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cho biết “Trước đây, chúng tôi (Moody’s) đánh giá sự bùng phát của dịch virus Covid-19 sẽ chủ yếu tác động tiêu cực đến các nhu cầu tại Trung Quốc, sụt giảm du lịch toàn cầu cũng như sụt giảm sản lượng sản xuất toàn cầu do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Á. Tuy nhiên, bây giờ rõ ràng là sự bùng phát của dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu nội địa trên toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng sâu rộng đến một loạt các hoạt động phi thương mại giữa các quốc gia và các khu vực”.
Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát phức tạp tại nhiều quốc gia, ngày càng nhiều người đang được yêu cầu làm việc từ nhà nhằm giảm rủi ro nhiễm bệnh. Số lượng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đã giảm mạnh và mọi người có xu hướng tránh các khu vực công cộng như bảo tàng, nhà hàng và rạp chiếu phim.
Cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Hoa Kỳ (BoA) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 2,8% - mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó, các nhà kinh tế học của tập đoàn tài chính ngân hàng Nomura cảnh báo “suy thoái kinh tế toàn cầu là điều không thể tránh khỏi”.
Tập đoàn tài chính Nomura cho biết “Tình trạng suy thoái kinh tế lần này sẽ khác với những lần khác. Phản ứng chính sách phù hợp nhất với tình trạng suy thoái lần này là việc đảm bảo y tế chứ không phải các chính sách tiền tệ hay tài khoá. Nếu các biện pháp kiểm soát y tế không ngăn chắn được sự lây lan của virus Covid-19 thì thị trường tài chính có thể sẽ sớm phải chấp nhận rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là điều hiện hữu”.
Dầu thô giảm gia tăng áp lực lên tăng trưởng toàn cầu
Tuy nhiên, các nhà kinh tế thừa nhận rằng bất kỳ dự báo nào trong giai đoạn này đều có mức độ không chắc chắn cao do còn phụ thuộc vào mức độ lây lan của virus Covid-19 cũng như sự biến động của giá dầu thô. Trong ngày 9/3, giá dầu thô đã giảm hơn 25% - mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1991 sau khi Ả-rập Xê-út khởi động một cuộc chiến giá dầu thô mới với Nga và Hoa Kỳ.
Ông Konstantinos Venetis, chuyên gia kinh tế cấp cao tại hãng nghiên cứu TS Lombard, nhận định việc giá dầu thô sụt giảm gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP toàn cầu do tác động tiêu cực của giá dầu thô giảm đối với các nước sản xuất dầu thô thường xuất hiện nhanh hơn so với lợi ích của điều này đối với các nước nhập khẩu dầu thô.
Ông Athanasia Kokkinogeni, nhà phân tích cao cấp khu vực Châu Âu của hãng nghiên cứu Duckier Frontier, cũng cho biết sự sụt giảm của giá dầu thô sẽ tạo ra kẻ thắng và người thua tuỳ thuộc vào việc nền kinh tế đó là nhập khẩu ròng hay xuất khẩu ròng dầu thô. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch virus Covid-19 sẽ khiến các lợi ích của việc giá dầu thô sụt giảm bị hạn chế. Trong khi đó, giá dầu thô sụt giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế của các quốc gia xuất khẩu ròng dầu thô.
Cuối tháng 2/2020, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể lần đầu tiên giảm xuống kể từ năm 2009 trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng khiến các hoạt động sản xuất bị đình trệ, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô.