Chốt phiên giao dịch thứ Sáu (ngày 20/3), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2020 đã giảm 1,49 USD/thùng tương ứng 5,2% xuống mức 26,98 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 4/2020 giảm mạnh 2,69 USD/thùng tương ứng 10,7% xuống mức 22,53 USD/thùng.
Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 4/2020 đã hết hạn giao dịch trong ngày 20/3; giá dầu thô WTI theo hợp đồng giao tháng 5/2020 trong ngày 20/3 đã giảm 3,28 USD/thùng tương ứng 12,7% xuống còn 22,63 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI giao tháng 4/2020 đã sụt giảm mạnh chỉ trong ít phút trước khi phiên giao dịch ngày 20/3 kết thúc do các quỹ phòng hộ và các quỹ đầu tư đẩy mạnh bán tháo trong ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng này. Điều này khiến mức sụt giảm của giá dầu thô WTI giao tháng 4/2020 cao gần gấp đôi so với mức sụt giảm của giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 trong cùng ngày.
Trong 5 ngày giao dịch của tuần này thì đã có 4 ngày giá dầu thô đã “rơi tự do” khi giới đầu tư bán tháo các hợp đồng nắm giữ trong bối cảnh sự bùng phát phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ, gây sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu. Các tổ chức dự báo giá dầu thô hàng đầu thế giới như Vitol và IHS Markit dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu có thể giảm 10%.
Tính chung cả tuần giao dịch (16/3 – 20/3), giá dầu thô WTI đã giảm 28% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ thời điểm cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 nổ ra. Trong khi đó, giá dầu thô Brent đã giảm 20% trong tuần này. Cả dầu thô WTI và dầu thô Brent đã ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu thô WTI đã giảm 50% và giá dầu thô Brent cũng giảm 40% chỉ trong vòng 2 tuần trở lại đây trước các tác động tiêu cực của đại dịch virus Covid-19 cũng như rủi ro nguồn cung dầu thô tăng mạnh do cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga.
Trong ngày 20/3, Chính phủ Hoa Kỳ cho biết nước này có thể cử một quan chức thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đến Ả-rập Xê-út trong vài tháng đề cùng tìm cách bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cho biết một quan chức bang Texas (Hoa Kỳ) đã trao đổi với Tổng thư ký khối OPEC Mohmmad Barkindo về khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh.
Nếu ý tưởng hợp tác bình ổn thị trường dầu mỏ thành sự thật thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1973, bang Texas thực hiện việc cắt giảm sản lượng khai thác. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu dầu mỏ Hoa Kỳ nhận định ít có khả năng này xảy ra và việc cắt giảm sản lượng sẽ không có tác dụng nâng đỡ giá dầu thô trong thời điểm này.
Vào đầu tháng 3/2020, Ả-rập Xê-út, nước có sản lượng khai thác lớn nhất khối OPEC, cho biết sẽ nâng mức sản lượng khai thác từ 9,7 triệu thùng/ngày như hiện nay lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020. Đồng thời, Ả-rập Xê-út hạ giá bán dầu thô tháng 4/2020 với mức giảm từ 6 – 8 USD/thùng, mức giảm giá mạnh nhất trong 20 năm.
Tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco cho biết đang lên kế hoạch nâng sản lượng khai thác lên 13 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.
Trong khi đó, giới đầu tư và các nhà giao dịch đang liên tục điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc các biện pháp phong toả nhằm hạn chế sự lây lan của dịch virus Covid-19 nhưng cũng kéo theo sự đình trệ của các hoạt động kinh tế.
Ông Giovanni Serio, trưởng ban phân tích tại hãng giao dịch năng lượng Vitol, dự báo “Nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu hoàn toàn có thể giảm 10 triệu thùng/ngày hoặc hơn”. Các tổ chức khác như hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit và ngân hàng đầu tư Standard Chartered cũng cùng chung nhận định.