Thứ Hai –16/3
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định cắt giảm mạnh lãi suất khẩn cấp, đưa mức lãi suất về còn 0% - 0,25% - ngang bằng mức thấp kỷ lục hồi năm 2015. FED cũng tung ra một gói nới lỏng định lượng với tổng trị giá lên tới 700 tỷ USD nhằm giúp ổn định thị trường trong bối cảnh sự hoảng loạn của giới đầu tư diễn ra rộng khắp thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Đồng thời FED cho phép các ngân hàng vay chiết khấu với thời hạn lên tới 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% đối với hàng nghìn ngân hàng tại Hoa Kỳ nhằm cung cấp một lượng vốn lớn ra thị trường với kỳ vọng giúp các doanh nghiệp tại đây duy trì được hoạt động kinh doanh trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Bên cạnh đó, FED cho biết đã thoả thuận phối hợp với hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhằm tăng tính thanh khoản của đồng USD thông qua các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ.
Trong thông báo phát ra, FED khẳng định đang chuẩn bị sử dụng toàn bộ các công cụ hiện có nhằm đảm bảo duy trì dòng vốn tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ.
Giới phân tích đánh giá đây là những nỗ lực lớn nhất từ trước đến giờ mà FED đưa ra chỉ trong một ngày để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước sự tác động của đại dịch virus Covid-19.
Thứ Ba – 17/3
Philippines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới buộc phải đóng cửa thị trường chứng khoán do đại dịch virus Covid-19 bùng phát. Theo đó, Sàn giao dịch chứng khoán Philippines (PSE) sẽ đóng cửa vô thời hạn từ ngày 17/3 nhằm hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh cho các nhân viên và các nhà đầu tư.
Trước đó, PSE đã cho thấy các dấu hiệu giảm hoạt động kể từ tháng 2/2020 với việc hoãn toàn bộ các hoạt động chính trong tháng 3/2020, đồng thời, thời gian giao dịch được rút ngắn lại còn từ 8.30 sáng đến 1 giờ chiều hàng ngày.
Động thái đóng cửa sàn PSE được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Philippines quyết định phong toả toàn bộ hòn đảo Luzon với gần 57 triệu cư dân để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong ngày 16/3, thị trường chứng khoán Philippines đã sụt giảm mạnh 8% trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu lo ngại các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế mới. Tính từ đầu tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Philippines đã giảm tới 20% giá trị, mức sụt giảm lớn nhất kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào tháng 10/2008.
Trước Philippines, tập đoàn dịch vụ tài chính CME cũng đã buộc phải đóng cửa một sàn giao dịch chứng khoán tại Chicago (Hoa Kỳ) nhằm giảm thiểu việc tụ tập đông người. Sàn giao dịch kim loại London (LME), thị trường giao dịch kim loại lớn nhất thế giới, cũng đang lên kế hoạch ngưng hình thức giao dịch hô giá công khai trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát mạnh tại Anh.
Thứ Tư – 18/3
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của Trung Quốc tức mức 2,5% xuống mức -9%; đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn ở mức 3% so với mức 5,5% được dự báo trước đó.
Các số liệu kinh tế mới nhất được Trung Quốc công bố trong ngày 16/3 cho thấy nền kinh tế nước này trong 2 tháng đầu năm 2020 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát của dịch viurs Covid-19. Trong đó, doanh số bán lẻ tại nước này trong 2 tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 20,5% và mức đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm 2020 đã giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Tất cả các dữ liệu này đều giảm mạnh hơn nhiều so với ước tính của giới phân tích. Cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này có thể sẽ được cải thiện trong quý 2/2020 khi các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại và các chính sách kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, tính đến tuần trước, đã có hơn 90% số doanh nghiệp lớn ở các khu vực ngoài tỉnh Hồ Bắc – tâm điểm dịch Covid-19 của Trung Quốc, đã nối lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ rất yếu trong bối cảnh mức thất nghiệp tăng đột biến, điều này sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong nước.
Thứ Năm – 19/3
Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cho biết sẽ tung ra gói nới lỏng định lượng kinh tế khổng lồ mới tổng trị giá lên đến 750 tỷ EUR nhằm thu mua trái phiếu chính phủ và các loại giấy tờ có giá của khối tư nhân, kể cả từ các doanh nghiệp phi ngân hàng. Đây là động thái mới nhất của ECB trong việc ổn định thị trường và hỗ trợ nền kinh tế khu vực Châu Âu vượt qua các tác động nghiêm trọng của đại dịch virus Covid-19.
ECB cho biết gói nới lỏng định lượng kinh tế này sẽ được kéo dài ít nhất đến cuối năm 2020. Đồng thời, ECB cũng cho thấy các dấu hiệu sẵn sàng hành động mạnh hơn nữa với tất cả các công cụ có thể để bảo vệ nền kinh tế khu vực Châu Âu. Phần lớn các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Âu đang chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch virus Covid-19.
Nhiều quốc gia Châu Âu đã áp đặt các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ khiến hầu hết hoạt động kinh tế bị ngưng trệ và nhiều ngành sản xuất – dịch vụ lớn như sản xuất ô tô và hàng không đã gần như phải ngưng hoạt động hoàn toàn.
Trong thông báo được phát đi, ECB cam kết sẽ hỗ trợ mọi công dân thuộc khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và đảm bảo mọi thành phần kinh tế từ các hộ gia đình đến các ngân hàng hay các chính phủ đều được hưởng lợi ích từ các gói hỗ trợ tài chính để vượt qua cú sốc kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Trong ngày 17/3, Liên minh Châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những nguời không phải công dân EU nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh. Nhiều quốc gia trong khối EU cũng thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại hoặc phong toả rộng nhiều khu vực để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thứ Sáu – 20/3
Hàng loạt tập đoàn tài chính lớn nhất toàn cầu, gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái. Sự lây lan dịch bệnh trên quy mô lớn tại Hoa Kỳ và Châu Âu buộc nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ cùng với các số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh đã khiến giới phân tích bi quan về triển vọng kinh tế thế giới.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ đạt 1,25% và tập đoàn Morgan Stanley dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,9% trong năm 2020.
Trong khi đó, hãng đánh giá tín nhiệm S&P Global dự báo mức tăng trưởng sẽ trong khoảng từ 1% - 1,5%. Các mức dự báo này vẫn cao hơn so mức tăng 0,8% trong năm 2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra nhưng thấp hơn so với cuộc suy thoái hồi năm 2001 và đầu năm 1990.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là giai đoạn suy thoái lần này sẽ kéo dài đến bao giờ và mức độ thiệt hại sẽ lớn đến như nào? Goldman Sachs và Morgan Stanley đều dự báo nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm 2002, tuy nhiên vẫn cảnh báo rủi ro các thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn.