Trong khuôn khổ các hoạt động “Tổng kết hoạt động KH&CN nổi bật của ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”, ngày 24/10/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN công lập, gắn với định hướng hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Hội thảo do Vụ trưởng Vụ KH&CN Trần Việt Hòa chủ trì có sự tham gia của đông đảo các đơn vị Cục, Vụ, Viện, các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương.
Giai đoạn 2016-2020, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương có sự chuyển biến rõ nét, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành Công Thương.
Các nhiệm vụ trong giai đoạn này tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Góp phần vào sự thành công này, các tổ chức KH&CN của ngành Công Thương đã có những điều chỉnh quan trọng về phương thức hoạt động, gắn với yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Từ đó, có những đóng góp có ý nghĩa trong kết quả hoạt động KH&CN cũng như những thành tựu phát triển chung của ngành. Đồng thời, cùng với chủ trương về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị KH&CN công lập, trong hơn 10 năm qua, hệ thống các tổ chức KH&CN của ngành Công Thương đã liên tục thực hiện đổi mới, tái cơ cấu về quy mô tổ chức và phạm vi hoạt động.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, KH&CN và đổi mới sáng tạo cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. KH&CN cũng được khẳng định là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Điều này đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu mới đối với hoạt động KH&CN ngành Công Thương nói chung và đặc biệt là hệ thống các tổ chức KH&CN nói riêng.
Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong tiến trình hoàn thiện báo cáo “Định hướng phát triển các tổ chức KH&CN công lập ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” do Vụ Khoa học và Công nghệ soạn thảo, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về định hướng, giải pháp phát triển các Viện trong giai đoạn tiếp theo.
Điều hành Hội thảo, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KH&CN đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 vấn đề chính: Vai trò và sứ mệnh của các tổ chức KH&CN công lập, đồng thời đánh giá những kết quả và đóng góp của tổ chức trong giai đoạn vừa qua; Yêu cầu về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực gắn với mục tiêu chung của phát triển, tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định việc tồn tại, phát triển của một tổ chức KH&CN. Từ đó thảo luận, trao đổi về phương án đề xuất trong dự thảo Báo cáo.
Những ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn và cởi mở tại Hội thảo sẽ được Vụ KH&CN tập hợp để hoàn thiện dự thảo Báo cáo định hướng phát triển cùng lộ trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, là căn cứ đề xuất Lãnh đạo Bộ có những quyết sách phù hợp trong phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập của Bộ Công Thương trong giai đoạn tiếp theo.