Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đòn bẩy khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học tại các doanh nghiệp
Trong thời gian qua, những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp trong thực hiện hoạt động KH&CN, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư nhiều hơn cho ứng dụng, đổi mới công nghệ là rất rõ nét. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trong giai đoạn vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể với hơn 80% doanh nghiệp lớn và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình. Một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ độc lập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của nội tại doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp từng bước được nâng lên; một số ngành, lĩnh vực đang tiệm cận với trình độ công nghệ của khu vực và thế giới, như: Lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, năng lượng - điện; không ít các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tiên phong trong xu hướng ứng dụng công nghệ mới và thực hiện chuyển đổi số với hiệu quả hết sức tích cực, mang đến diện mạo, năng lực mới cho doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp quan trọng vào những thành tích ấn tượng của ngành Công Thương những năm qua: Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; nền sản xuất công nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao; một số ngành có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ .v.v…; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 500 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020, tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của đất nước; quá trình mở cửa hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao…
Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ và quản trị hiện đại
Để KH&CN và ĐMST có đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền sản xuất tự chủ và có tính cạnh tranh cao, hoạt động KH&CN và ĐMST ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 ưu tiên một số định hướng và nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương
- Đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hội nhập hiện có; đề xuất các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực, phân bố không gian công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, logistics theo yêu cầu của tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
- Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn (trong nước và quốc tế) đề xuất các phương án, kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, và đến 2030; phương án và giải pháp thực hiện việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất; cấu trúc lại không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn ngành.
- Xây dựng phương án, chính sách đặc thù phục vụ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển;
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển vùng, phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp và cụm liên kết ngành công nghiệp dựa trên nền tảng là các Khu (khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất v.v...); nghiên cứu, cung cấp luận cứ đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị;
- Xây dựng phương án tái cấu trúc các khu công nghiệp và khu kinh tế để hỗ trợ tốt nhất cho hình thành các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá dựa trên khả năng kết nối chuỗi giá trị và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp.
- Cung cấp luận cứ hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển, quy hoạch phát triển công nghiệp; cung cấp luận cứ xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, hình thành và phát triển liên kết công nghiệp giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp.
- Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, các trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp như đầu tư, tài chính, thị trường, xúc tiến thương mại v.v...;
- Nghiên cứu, tư vấn giải quyết các vấn đề về cạnh tranh trong thương mại, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường trong và ngoài nước; phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bảo vệ các doanh nghiệp công nghiệp, nền sản xuất và thị trường trong nước.
- Nghiên cứu, tư vấn đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm tiếp cận thị trường vốn tín dụng nước ngoài, kêu gọi được các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp, năng lượng.
- Nghiên cứu xây dựng chính sách tạo thuận lợi hóa về tiếp cận và mở rộng thị trường cho phát triển ngành công nghiệp; xây dựng kịch bản đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các chính sách khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
- Nghiên cứu, tư vấn sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA mới có hiệu lực như CPTPP và EVFTA: sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế, đặc biệt trong FTA mà Việt Nam tham gia; đồng bộ hóa khung khổ pháp luật trên cơ sở bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa toàn bộ hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn theo hướng “mở” của hội nhập để nắm bắt các cơ hội do hội nhập mang lại.
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên
- Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
- Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án KH&CN giai đoạn 2021 - 2030: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giầy giai đoạn 2021 - 2030” trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030;
- Xác định các công nghệ chiến lược và lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ từ cuộc Công nghiệp lần thứ tư; Xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.
- Tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp và thương mại, ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTAs. Xây dựng và triển khai Chương trình Phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ phát triển các lĩnh vực ưu tiên trong thực thi các FTAs của ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030.
- Đánh giá trình độ công nghệ, khả năng hấp thụ công nghệ; thiết lập bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ, đặc biệt gắn với xu hướng phát triển công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025.
- Xây dựng TCVN, QCVN cho các công nghệ được đầu tư, sử dụng trong nước, công nghệ nhập khẩu theo hướng công nghệ sạch; xây dựng lộ trình và triển khai việc loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và gây ô nhiễm.
Với những thành công và bài học kinh nghiệm đã đúc rút trong giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021-20130, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các định hướng nhiệm vụ nêu trên, từ đó tạo lập động lực tăng trưởng mới cho ngành Công Thương dựa trên KH&CN và ĐMST, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.