Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động thương mại gạo nói riêng.
Song, dưới sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần mang lại những thành tựu chung của nền kinh tế, trong đó xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,7% về lượng và tăng gần 30% về trị giá). Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc; các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững, ngoài ra khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao (gần 30%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết.
Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà Bank) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Việc tạo lập, phát triển các cơ chế liên kết, hợp tác giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất chưa được chú trọng, vì vậy chưa bảo đảm được nguồn hàng ổn định và có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Việc liên kết, hợp tác giữa các thương nhân với nhau cũng chưa thật tốt, dẫn đến vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá trong hoạt động thu mua, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
"Đặc biệt, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.
Trước tình hình đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo sẽ tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua; bàn và thống nhất các giải pháp trọng tâm nhằm tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân với giá có lợi nhất, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Nhấn mạnh đây là Hội nghị rất quan trọng với những nội dung có tính thời sự, thiết thực, tư lệnh Ngành Công Thương cũng đề nghị từ các hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương và với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đồng hành, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng tình hình sản xuất, nguồn cung thóc, gạo hàng hóa; nhận định thị trường thương mại gạo toàn cầu, những khó khăn, vướng mắc và thời cơ, thuận lợi; trên cơ sở đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, với sản lượng lúa dự kiến cả năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Trong khi đó, theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: i) lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); ii) hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; iii) tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen);… Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.