Cổ phiếu gạo nổi sóng khi giá gạo xuất khẩu lên mức cao nhất 15 năm
Kể từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã duy trì đà tăng tích cực theo sự hồi phục chung của thị trường. Xét từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về thị giá với mức tăng hàng chục %, thậm chí có cổ phiếu tăng bằng lần.
Đặc biệt trong 2 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu gạo đã bật tăng mạnh với mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung toàn thị trường sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột ngưng xuất khẩu gạo tẻ (chiếm 80% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này) vào ngày 20/7.
Điều này đã khiến các khách hàng trên toàn cầu ráo riết tìm kiếm các nguồn cung gạo thay thế Ấn Độ, đổ dồn vào Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Đồng thời, tâm lý căng thẳng đối với người mua còn bị đẩy lên cao hơn sau khi Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng tạm thời ngưng xuất khẩu gạo vào ngày 30/7. Mặc dù nguồn cung gạo từ Nga ra thị trường quốc tế chỉ ở mức thấp và UAE là quốc gia nhập khẩu đến 90% lượng lương thực, động thái của hai quốc gia này đang tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, động thái này buộc người mua gạo giờ phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn các nguồn nhập khẩu có đủ năng lực cung ứng trong lâu dài, đặc biệt là từ Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.
Tất cả những yếu tố này đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng lên theo từng ngày, chạm mức cao kỷ lục. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến chiều ngày 1/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan đã lần lượt đạt 588 USD và 623 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008 đến nay.
Đáng chú ý, các chuyên gia quốc tế vừa cảnh báo Thái Lan có thể khó đáp ứng hết nhu cầu xuất khẩu gạo trong năm nay do sản lượng gạo nội địa nước này dự báo giảm đáng kể.
Báo lãi tăng gấp đôi, cổ phiếu VSF duy trì 7 phiên “trần” liên tục
Trên thị trường chứng khoán, trong nhóm cổ phiếu gạo, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2) trên sàn UPCoM đã ghi nhận mức tăng đột biến, vượt trội so với các cổ phiếu gạo khác như TAR, BLT, LTG, NSC, SSC.
Kể từ ngày 21/7 - thời điểm lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực, cổ phiếu VSF đã tăng 8 phiên liên tục, trong đó có 7 phiên tăng kịch biên độ, với tổng mức tăng lên tới 174%. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng gia tăng mạnh từ mức chỉ vài nghìn đơn vị/phiên đã lên đến vài trăm nghìn đơn vị/phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu VSF đạt 22.100 đồng/cổ phiếu, cao gấp 4,1 lần so với thời điểm đầu năm nay. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu VSF được niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4/2018 đến nay.
Vinafood 2 hiện là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022.
Doanh nghiệp này cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm 2023 với các kết quả tăng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý 2/2023, doanh thu thuần của Vinafood 2 đạt 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ và lãi ròng ở mức 9,4 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood 2 ghi nhận 11.337 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 58% so với cùng kỳ, và lãi ròng gần 10 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, phần lớn lợi nhuận của Vinafood 2 tập trung trong quý 2/2023 vừa qua.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xuất khẩu được 4,2 triệu tấn gạo, với trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị. Mức giá gạo xuất khẩu trung bình 6 tháng đầu năm nay đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với nửa đầu năm 2022.
Thị trường hiện kỳ vọng việc giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục sẽ giúp hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 tiếp tục được cải thiện tích cực. Kể từ năm 2013 đến 2021, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Mạch thua lỗ này chỉ được ngắt vào năm 2022 khi Vinafood 2 ghi nhận khoản lãi hơn 21 tỷ đồng. Hiện Vinafood 2 đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn, và quyết toán cổ phần hoá Tổng Công ty.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như VFA thực hiện nghiêm túc Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định nhằm đảm bảo cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhằm góp phần bình ổn thị trường lúa gạo trong nước; báo cáo tình hình lúa gạo tồn kho cũng như tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, chủ động theo dõi sát tình hình thị trường gạo toàn cầu nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tình hình liên quan hoạt động xuất khẩu gạo cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp.