Lãi quý 2/2023 đạt mức cao nhất lịch sử
Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 912 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cảng biển này được duy trì gần như tương đương so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 431 tỷ đồng. Qua đó, giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ từ mức 44% lên 47% trong quý 2/2023.
Đáng chú ý, trong quý 2/2023, Cảng Gemadept ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến, đạt 1.863 tỷ đồng, gấp gần 470 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thương vụ chuyển nhượng vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) cho Công ty Cổ phần Container Việt Nam (mã cổ phiếu VSC – sàn HoSE).
Trước đó, ngày 19/04, Cảng Gemadept và Container Việt Nam cùng các bên nhận chuyển nhượng khác đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn của Gemadept tại cảng Nam Hải Đình Vũ. Theo các ước tính, Container Việt Nam có thể phải chi khoảng 2.250 tỷ đồng cho thương vụ này.
Việc thoái vốn này thực chất là thoái vốn bán tài sản vì Cảng Gemadept chỉ bán cơ sở hạ tầng của cảng Nam Hải Đình Vũ trong khi giữ lại khách hàng đồng thời lực lượng lao động sẽ được chuyển giao cho cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 2.
Kết thúc quý 2/2023, Cảng Gemadept báo lãi ròng hơn 1.646 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có mức lãi ròng cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Cảng Gemadept ghi nhận 1.814 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 2% so với nửa đầu năm 2022. Xét về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng biển chiếm 74% tổng doanh thu của doanh nghiệp; còn lại là đến từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng (chiếm 26%).
Do quý 2/2023 ghi nhận lợi nhuận cao đột biến, doanh nghiệp cảng biển này báo lãi ròng nửa đầu năm nay đạt 1.966 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với nửa đầu năm 2022.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Cảng Gemadept đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái, và mục tiêu lãi ròng 1.316 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ.
Nếu so sánh với kế hoạch kinh doanh nêu trên, Cảng Gemadept hiện đã hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 149% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.
Cổ phiếu GMD chịu áp lực giảm sau khi lên đỉnh 14 tháng
Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Cảng Gemadept đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, doanh nghiệp này đang đầu tư hơn 2.964 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết. Khoản đầu tư lớn nhất hiện nay của Cảng Gemadept là vào Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (chủ đầu tư dự án Gemalink) với mức đầu tư 1.477 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cảng Gemadept đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến hơn 2.300 tỷ đồng, tăng tới 60% so với thời điểm đầu năm nay; có thể phần lớn nguồn tiền tăng thêm là đến từ thương vụ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cảng Gemadept, khoản tiền thu được từ thương vụ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ được dùng để đầu tư cho dự án cảng Nam Đình Vũ – Giai đoạn 3 và Cảng Gemalink – Giai đoạn 2.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Cảng Gemadept vào cuối tháng 6/2023 đã giảm 18% so với thời điểm đầu năm nay, xuống còn 4.159 tỷ đồng (chiếm 30% tổng nguồn vốn). Nguyên nhân chủ yếu do công ty không còn ghi nhận khoản nhận đặt cọc chuyển nhượng vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu GMD của Cảng Gemadept đạt 57.100 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu GMD đã tăng gần 24%. Tuy nhiên, sau khi lên đỉnh cao nhất 14 tháng qua nhờ mạch tăng giá kéo dài từ cuối tháng 6/2023, cổ phiếu GMD đã chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong 2 phiên giao dịch gần đây với thanh khoản cao hơn mức thông thường.