Tăng trưởng huy động tiền gửi và cho vay vượt trội
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của ngân hàng mẹ VPBank đạt 17.485 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, lãi ròng của ngân hàng mẹ trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 6.317 tỷ đồng, giảm 48% so với nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do trong nửa đầu năm 2022, lợi nhuận của ngân hàng VPBank tăng đột biến do ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm của AIA.
Số liệu cũng cho thấy, trong nửa đầu năm nay, các công ty con trong hệ sinh thái của ngân hàng VPBank đều ghi nhận tăng trưởng tích cực hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi của công ty tài chính tiêu dùng FE Credit chậm hơn dự kiến khiến lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng VPBank không đạt kỳ vọng.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng VPBank trong nửa đầu năm nay đạt 4.101 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện ngân hàng này cho biết điểm tích cực là FE Credit bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với thời điểm đầu năm nay.
Tính đến hết tháng 6/2023, huy động tiền gửi khách hàng hợp nhất của ngân hàng VPBank tăng tới 28% so với đầu năm nay, đạt gần 388.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình 3,3% của toàn hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay; giúp ngân hàng VPBank lọt top đầu thị trường về huy động tiền gửi. Đáng chú ý, tại ngân hàng mẹ, huy động của khối khách hàng cá nhân có mức tăng lên đến 45% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, cho vay khách hàng hợp nhất của ngân hàng này tính đến cuối tháng 6/2023 tăng hơn 15%, lên mức 411.257 tỷ đồng; riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng cho vay đạt hơn 10%. Các con số này đều cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình 4,7% của toàn ngành ngân hàng trong nửa đầu năm nay. Dư nợ tín dụng của phân khúc khách hàng cá nhân nói riêng đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với đầu năm nay.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng tốt, song nợ xấu của ngân hàng VPBank cũng tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6/2023. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ ở mức 3,87%, tăng so với mức 2,8% cuối năm 2022. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 của ngân hàng mẹ VPBank lần lượt gấp 3 và gấp 2 lần so với thời điểm đầu năm nay.
Chuẩn bị chia cổ tức tỷ lệ 10%, cổ phiếu VPB vào nhịp tăng mới
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng VPBank, sau khi thương vụ bán vốn trị giá 1,5 tỷ USD cho đối tác chiến lược Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản) – dự kiến ngay trong quý 3 này, vốn điều lệ của VPBank sẽ vươn lên dẫn đầu thị trường. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, theo đánh giá của Moody’s, sẽ tăng lên mức gần 19% - mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.
Theo dự kiến, trong quý 3 này, ngân hàng VPBank sẽ thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông lần đầu tiên trong 10 năm qua, với tỷ lệ 10% - tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu VPB sẽ được nhận 1.000 đồng cổ tức. Dự kiến, ngân hàng này sẽ cần chi khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức đợt này.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng này đã khẳng định sẽ dành tới 30% lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức cho cổ đông trong 5 năm tới đây. Ban lãnh đạo ngân hàng VPBank khá lạc quan vào triển vọng kinh doanh của ngân hàng trong trung-dài hạn và năng lực đáp ứng kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Hiện ngân hàng VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng với mức tăng trưởng kép trong 5 năm là 35%, và tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng đa năng với trụ cột chính là bán lẻ, trong đó tỷ trọng bán lẻ trên tổng danh mục tín dụng đạt trên 70%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank đạt 21.950 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu VPB đã tăng gần 22%.
Đáng chú ý, sau giai đoạn tích luỹ kéo dài, cổ phiếu VPB đã xuất hiện nhịp tăng mới kể từ giữa tháng 7/2023 đến nay với mức tăng đến nay đạt 12%, cùng với đó là thanh khoản tăng dần. Đây cũng là thời điểm ngân hàng VPBank lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án sử dụng 1,5 tỷ USD từ thương vụ bán vốn cho SMBC.