Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong việc chỉ đạo Chủ đầu tư và Đơn vị tư vấn triển khai các công việc để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong đó, dự án đã, đang tập trung thực hiện 2 nội dung lớn: Giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Chủ đầu tư triển khai khởi công Dự án theo đúng kế hoạch tiến độ; tích cực triển khai nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thực hiện Dự án.
Do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh về vận tải hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO, trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của vùng, khu vực cần phải được tập trung, khẩn trương.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án phải được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu về vận tải hàng không của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế.
Trên cơ sở dự báo khả năng khai thác giữa các cảng hàng không trong nước, khu vực và trong vùng, cần xác định cụ thể vai trò đảm nhận của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đặc biệt phân chia vận tải của sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu vận tải hàng không của vùng.
Dự án phải đáp ứng được yêu cầu về công nghệ hiện đại trong quản lý và khai thác tương đương như các cảng hàng không tiên tiến hiện tại và tương lai; đảm bảo năng lực khai thác đồng bộ, an toàn, chất lượng và hiệu quả về kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo tiết kiệm; bảo đảm tính hợp lý của hệ thống giao thông kết nối, đồng bộ giữa các phương thức vận tải, như: đường bộ, đường sắt (tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam và các tuyến đường sắt đô thị) và hàng không.
Về đô thị khu vực sân bay Long Thành, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức nghiên cứu, rà soát bổ sung và lập quy hoạch xây dựng đô thị khu vực Cảng hàng không Long Thành; đồng thời, kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, đảm bảo khai thác có hiệu quả các lợi thế của cảng hàng không, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và bảo vệ môi trường; xác định cụ thể các phương án sử dụng vốn do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đề xuất, trong đó tập trung vào phương án xã hội hóa cao nhất, ít sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo mục tiêu tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án.
Dự án được thực hiện qua nhiều khâu, nhiều hạng mục và báo cáo nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: Trình Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét, quyết định để báo cáo Quốc hội. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Đơn vị tư vấn phối hợp với Chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thường xuyên nắm chắc tình hình triển khai thực hiện Dự án, đảm bảo đúng tiến độ của Dự án theo quy định. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn Chủ đầu tư, Đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, đảm bảo tiến độ thẩm định, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2019.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.