PV: Tình hình cung ứng điện 6 tháng đầu năm 2011 và dự báo của EVN về khả năng đáp ứng nguồn điện phục vụ nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Trong 6 tháng đầu năm 2011, hệ thống điện vận hành an toàn, tình hình cung ứng điện ổn định, không phải thực hiện các biện pháp điều hoà, tiết giảm điện. EVN đã đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất - dịch vụ và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,57%; cấp điện an toàn phục vụ các sự kiện quan trọng trên cả nước; điều tiết nước hợp lý từ các hồ thuỷ điện phục vụ sản xuất nông nghiệp thắng lợi vụ Đông - Xuân 2010 - 2011 và góp phần đẩy mặn, phục vụ sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du.
Căn cứ diễn biến vận hành hệ thống điện 6 tháng đầu năm, cập nhật thông tin dự báo thủy văn, nhu cầu phụ tải các tháng cuối năm, EVN đã tính toán, xây dựng và báo cáo Bộ Công Thương phương án cung ứng điện 6 tháng cuối năm, theo đó việc cung ứng điện dự báo sẽ được cải thiện đáng kể do một số yếu tố chính như sau: Tình hình thuỷ văn khả quan hơn do các hồ chứa thủy điện chuyển sang giai đoạn mùa lũ, khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện được nâng lên; Các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành tại miền Bắc (Cẩm Phả, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sơn Động) sau khi được khắc phục các khiếm khuyết kỹ thuật vận hành ổn định hơn; Trong 6 tháng đầu năm đã đưa vào vận hành khoảng 1.700MW công suất nguồn điện (trong đó của EVN là 1.085MW) và 6 tháng cuối năm dự kiến đưa thêm một số tổ máy phát điện mới vào vận hành với tổng công suất trên 1.200MW sẽ bổ sung công suất nguồn cho hệ thống điện quốc gia, trong đó đáng kể nhất là tổ máy số 3 và số 4 Nhà máy Thuỷ điện Sơn La với công suất mỗi tổ máy 400MW sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 8 và tháng 12/2011; mặt khác, EVN tiếp tục duy trì ổn định sản lượng điện nhập khẩu ở mức cao...
Đèn cao áp bật quá sớm ở phố Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội.
PV: Theo dự báo thì việc cung ứng điện 6 tháng cuối năm sẽ ổn định hơn, vậy vấn đề tiết kiệm điện sẽ phải tiếp tục triển khai ra sao và nên tập trung vào đối tượng nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Tiết kiệm điện là việc làm thường xuyên, liên tục, ngay cả khi không thiếu điện và cần phải có quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng và là trách nhiệm của mỗi công dân. Vì vậy, mỗi ngành, địa phương, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình, mỗi người cần tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp cụ thể đã nêu trong Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, tạo nên phong trào thực hành tiết kiệm điện rộng rãi trên cả nước, trong đó cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao ý thức và kiến thức về sử dụng điện tiết kiệm trong toàn xã hội, đồng thời phê phán các hành vi, hiện tượng sử dụng điện lãng phí.
PV: Được biết ở một số quốc gia, khi xảy ra tình trạng thiếu điện gay gắt, Chính phủ đã phải ra lệnh cho các doanh nghiệp có sử dụng sản lượng điện lớn phải tạm thời đóng cửa sản xuất, nhằm dành điện phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân, ở Việt Nam, theo ông có nên dùng biện pháp này?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Nước ta là nước đang phát triển, rất cần ưu tiên đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất. Mặc dù vậy, khi xảy ra thiếu điện, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải hạn chế sử dụng điện để dành thêm điện phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân.
PV: Để đảm bảo điện kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, về phần mình, EVN có giải pháp gì để đối phó với tình trạng thiếu điện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Các giải pháp lớn mà EVN sẽ tập trung thực hiện nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, cụ thể như sau:
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật, bố trí hợp lý kế hoạch và rút ngắn thời gian thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy phát điện, đường dây, trạm biến áp để đảm bảo duy trì và phát huy năng lực vận hành của hệ thống điện hiện có. Đồng thời, khai thác, huy động hợp lý các nhà máy thuỷ điện trên cơ sở bám sát tình hình thuỷ văn, đáp ứng hài hoà yêu cầu phát điện với phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho vùng hạ du. EVN sẽ giám sát chặt chẽ tình trạng hoạt động, phát hiện kịp thời khiếm khuyết, tập trung lực lượng, vật tư thiết bị để khắc phục sự cố nhanh nhất, đảm bảo vận hành ổn định, tin cậy của các tổ máy phát điện mới đưa vào vận hành, cũng như đôn đốc triển khai xây dựng các dự án, đẩy nhanh việc đưa vào khai thác và vận hành ổn định các dự án nguồn, lưới điện mới theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện các biện pháp giảm tổn thất điện năng, tập trung vào khu vực lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận và duy trì sản lượng điện nhập khẩu ở mức cao. Đặc biệt là tăng cường thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sử dụng điện. Đây là giải pháp quan trọng nhất hiện nay vì hiệu suất sử dụng điện ở nước ta hiện nay còn rất thấp, tiềm năng tiết kiệm điện còn nhiều. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới địa phương để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân.
PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan nhà nước, các bộ ngành, địa phương và ngưòi dân xung quanh vấn đề sử dụng điện tiết kiệm?
Ông Nguyễn Tấn Lộc: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, để tiết kiệm điện thực sự phát huy hiệu quả, là nét đẹp trong đời sống của cộng đồng, không trở thành hình thức, tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau:
Đề nghị các cơ quan chức năng, trong trách nhiệm của mình sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó cần có các chế tài cụ thể, mang tính khả thi; Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Công Thương trình, trong đó đề nghị lựa chọn khâu đột phá là tiết kiệm điện trong sản xuất; Đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng áp dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng các dây chuyền sản xuất có công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng. Các cơ quan chức năng khi phê duyệt các dự án đầu tư cần xem xét các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng năng lượng điện, kiên quyết loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng; Đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Cuối cùng, EVN đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện của Nhà nước, tăng cường các hoạt động, hình thức tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trong toàn xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!