Đề xuất 12 cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đề xuất 12 cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.
phòng cháy lọc hoá dầu
Nhà máy lọc dầu có công suất trên 10 triệu tấn/năm phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành

Nghị định này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, việc xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

12 cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành

Điều 20, Chương IV của Dự thảo nêu rõ về Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Cụ thể, theo dự thảo, 12 cơ sở sau đây phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành:

1. Kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ có tổng dung tích từ 50.000 mét khối trở lên;

2. Cảng hàng không;

3. Bến cảng biển hàng hóa độc lập thuộc cấp công trình từ cấp I trở lên theo quy định của pháp luật về xây dựng;

4. Nhà máy nhiệt điện có tổng công suất từ 600 mê ga oát trở lên; nhà máy thuỷ điện có tổng công suất trên 1.000 mê ga oát; nhà máy điện hạt nhân;

5. Nhà máy giấy có công suất trên 100.000 tấn/năm;

6. Nhà máy dệt có công suất trên 25 triệu mét vuông/năm;

7. Nhà máy sản xuất phân bón đơn, phức hợp có công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm;

8. Nhà máy lọc dầu có công suất trên 10 triệu tấn/năm;

9. Nhà máy lọc hóa dầu có công suất chế biến dầu thô từ 100 nghìn thùng/ngày trở lên;

10. Cơ sở sản xuất sản phẩm hóa dầu có công suất từ 50.000 tấn/năm trở lên;

11. Cơ sở chế biến khí đốt công suất trên 10 triệu mét khối khí/ngày;

12. Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có tổng diện tích trên 50 ha.

Dự thảo Nghị định cũng nêu: Cơ sở không thuộc các đối tượng trên và có từ 10 người trở lên thường xuyên làm việc tại cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.

Cơ sở có dưới 10 người thường xuyên làm việc tại cơ sở thì không phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở nhưng phải phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

Cơ sở vận hành tự động, không có người làm việc thường xuyên có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động được liên kết, hiển thị, cảnh báo cháy về cơ quan chủ quản, trang thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với với hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy thì không phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.

Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sở có tối thiểu 10 người

Dự thảo cũng quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động và chế độ bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Theo đó, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành gồm các thành viên: Đội trưởng, Đội phó và đội viên.

Người đứng đầu cơ sở ban hành quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cụ thể cho thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành kèm theo danh sách thành viên.

Việc phân công người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở được quy định như sau:

a) Cơ sở có từ 10 người đến 50 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 10 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng;

b) Cơ sở có trên 50 người đến 100 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 15 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng và 01 Đội phó;

c) Cơ sở có trên 100 người thường xuyên làm việc thì phân công tối thiểu 25 người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, trong đó có 01 Đội trưởng và 02 Đội phó.

Dự thảo cũng nêu: Việc phân công người tham gia Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành được thực hiện theo quy định trên và phải bảo đảm duy trì đủ số người trực để vận hành, sử dụng xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị tại cơ sở trong một ca trực.

Cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động hoặc các cơ sở nằm trong cùng một khuôn viên, liền kề nhau do một cơ quan, tổ chức quản lý, vận hành có thể thành lập một Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc một Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Điều 41, Chương VII dự thảo quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm:

- Quy định về giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành thuộc thẩm quyền quản lý;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị bán lẻ điện việc tư vấn việc lắp đặt, sử dụng đối với hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy khi đấu nối điện sinh hoạt;

- Chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn sử dụng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Xuân An