Đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
tiền thuê đất
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (gọi là người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.

Đề xuất 2 mức giảm tiền thuê đất

Dự thảo đề xuất 2 mức giảm tiền thuê đất theo 02 phương án sau:

Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại Nghị định này.

Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại Nghị định này.

Mức giảm tiền thuê đất quy định này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất, theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm tiền thuê đất quy định này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ giảm tiền thuê đất gồm:

1. Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2024 của người thuê đất.

Người thuê đất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất của mình, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.

2. Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).

Trình tự, thủ tục giảm tiền thuê đất như sau: Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế hoặc cơ quan khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Căn cứ hồ sơ giảm tiền thuê đất do người thuê đất nộp theo quy định; không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định tại pháp luật về thu tiền thuê đất và pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người thuê đất đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định của Nghị định này nhưng sau đó cơ quan quản lý nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra việc người thuê đất không thuộc trường hợp được giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này thì người thuê đất phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người thuê đất đã nộp tiền thuê đất của năm 2024 mà sau khi cơ quan có thẩm quyền xác định và quyết định giảm tiền thuê đất có phát sinh thừa tiền thuê đất thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất của kỳ sau hoặc năm tiếp theo theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan; trường hợp không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất tiếp theo thì thực hiện bù trừ hoặc hoàn trả số tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

Trình tự, thủ tục giảm tiền thuê đất

- Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế hoặc cơ quan khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày … tháng … năm ….. Không áp dụng giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này đối với trường hợp người thuê đất nộp hồ sơ sau ngày … tháng … năm .....

- Căn cứ hồ sơ giảm tiền thuê đất do người thuê đất nộp theo quy định khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định; không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị định, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định tại pháp luật về thu tiền thuê đất và pháp luật về quản lý thuế.

- Trường hợp người thuê đất đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định của dự thảo Nghị định nhưng sau đó cơ quan quản lý nhà nước phát hiện qua thanh tra, kiểm tra việc người thuê đất không thuộc trường hợp được giảm tiền thuê đất theo quy định tại dự thảo Nghị định thì người thuê đất phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Trường hợp người thuê đất đã nộp tiền thuê đất của năm 2024 mà sau khi cơ quan có thẩm quyền xác định và quyết định giảm tiền thuê đất có phát sinh thừa tiền thuê đất thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất của kỳ sau hoặc năm tiếp theo theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan; trường hợp không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất tiếp theo thì thực hiện bù trừ hoặc hoàn trả số tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

Dự kiến số tiền thuê đất giảm từ 2.000-4.000 tỷ đồng

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định số 22/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2020, 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg giảm tiền thuê đất năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về giảm tiền thuê đất năm 2023.

Số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trung bình các năm 2020-2023 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên là 2.890 tỷ đồng/năm, riêng trung bình các năm 2021, 2022, 2023 là 3.734 tỷ đồng/năm. Qua đó, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về sự cần thiết phải giảm tiền thuê đất năm 2024, Bộ Tài chính cho rằng hiện nền kinh tế vẫn gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững.

Cùng với đó, ngày 15/9/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo số 7399/BC-BKHĐT báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi. Theo đánh giá, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, tăng trưởng GDP quý 3/2034 của cả nước có thể giảm 0,35%, quý 4/2024 giảm 0,22%; ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản không có bão số 3.

Do đó, một trong các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, phục hồi sản xuất, kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét.

Dự kiến số tiền thuê đất giảm theo dự thảo Nghị định trong khoảng từ 2.000 tỷ đồng (tương đương ½ số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2023 do mức giảm tiền thuê đất năm 2024 dự kiến là 15%) đến 4.000 tỷ đồng (tương đương số tiền thuê đất dự kiến giảm của năm 2023 với mức giảm 30% trên phạm vi cả nước).

 

Xuân An