Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây
Nguyên và GS.TS. Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các vị khách
quốc tế, các nhà khoa học, bà con nông dân.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. "Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển cây mắc ca để trở thành trung tâm mắc ca không chỉ của khu vực mà còn thế giới. Chúng ta có thể tin tưởng mắc ca Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cần phải tránh bẫy phát triển cây mắc ca giá rẻ" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo ông Vương Đình Huệ, cần phải rút kinh nghiệm từ việc canh tác các cây nông nghiệp khác để xây dựng chuỗi giá trị cho cây mắc ca, theo hướng bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Đề cập tới chiến lược phát triển cây mắc ca, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam cho rằng, chỉ có công nghệ tiên tiến mới là chìa khóa cho chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Ông Minh đề xuất "Chính phủ cần có chính sách quy hoạch và sản xuất quy mô lớn cho mắc ca, khai thác chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu sản xuất đến chế biến tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách cổ phần hóa đặc thù với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó quy định nông dân có thể góp cổ phần bằng ruộng/đất và trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần thua lỗ hoặc phá sản, người nông dân không bị mất ruộng/đất".
Theo ông Minh, Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể để kích thích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn như chính sách ưu đãi thuế, vốn. Tăng cường thu hút đầu tư trong nước, khuyến khích các mô hình liên doanh nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, mang công nghệ mới, phương thức canh tác mới để cải tiến các yếu tố lạc hậu, cũng như tạo ra sức ép cạnh tranh cho sản phẩm.
Về vốn tín dụng, hiện nay có 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca. Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank khẳng định sẽ cho người nông dân vay tín chấp triển khai vườn mắc ca, thời hạn từ 7-10 năm với lãi suất dưới 10%. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ cho vay thế chấp bằng vườn mắc ca.
Ông Hưởng nhấn mạnh, "thực tế, với điều kiện của Tây Nguyên thì suất đầu tư cho cây mắc ca cũng rẻ hơn, khoảng 100 triệu/5 năm/ha, chưa có tiền đất. Hiện nay, đa số người nông dân đã có đất và trồng xen canh với cây cà phê, tiêu, chuối thì rất thuận lợi. Trong 5 năm tới, LienVietPostBank sẽ mua bảo hiểm cho người nông dân vay vốn của ngân hàng, theo hướng nếu có rủi ro thì người nông dân cũng không bị mất đất".
Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song
cho rằng cần phải nghiên cứu tổng thể, sâu hơn nữa khi phát triển loại cây này. Theo GS. Hoàng
Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua
với 10 nước tham gia, nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.
Giáo sư Hoàng Hòe cho biết, khảo sát tại Tây Nguyên có 1 triệu ha phù hợp với cây mắc ca. Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên trồng khoảng 1/5 diện tích với sự tham gia mạnh mẽ của
các doanh nghiệp. Quá trình phát triển cần phải thận trọng, trong đó coi trọng năng suất, chất
lượng và hiệu quả; coi trọng khâu chế biến…
Ông Martin Novak - một chuyên gia về mắc ca đến từ Australia cũng khẳng định giá trị kinh tế cao của cây mắc ca. Tuy nhiên, cây mắc ca phải trồng trên loại đất tốt nên rất nhiều nước không thể trồng được loại cây này. Ông đánh giá, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Việt Nam rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng. Ông tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.
Chuyên gia sinh học, GS. Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký các ngành sinh học Việt Nam tỏ ra rất tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết, hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới, hơn cả hạt điều, hạnh nhân và hạch đào. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và được ưa chuộng. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho rằng cần phải có một cuộc cách mạng cho Tây Nguyên và khẳng định chỉ cần mỗi hộ nông dân có 50 cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo. Cây mắc ca sẽ là thế mạnh, đòn bẩy giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hòa, một nông dân tại Tây Nguyên đã trồng mắc ca khẳng định, cây mắc ca dễ trồng, cho lợi nhuận cao và tốn ít công sức. Tuy nhiên, điều các hộ nông dân băn khoăn lo lắng là đầu ra của cây mắc ca sẽ như thế nào, mong muốn có nhà máy chế biến và các khâu tiêu thụ khép kín.
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo
Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định lợi thế, tiềm năng kinh tế to lớn của cây mắc ca tại
Tây Nguyên và vùng Tây Bắc.
Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu đưa cây mắc ca trở thành cây công
nghiệp chiến lược mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân
tộc Tây Nguyên, thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức
năng sớm đề xuất bổ sung cây mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới; đồng thời ban hành chủ
trương, chính sách khuyến khích việc trồng, tiêu thụ sản phẩm loại cây này.
Đề nghị Bộ NN&PTNT thúc đẩy nhanh việc xây dựng chương trình quốc gia về phát triển cây mắc ca
trên cơ sở phối hợp với vác địa phương có tiềm năng như Tây Nguyên; chú trọng việc trồng và sản
xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và khai thác đồng bộ chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất,
chế biến, tiêu thụ, tận thu các sản phẩm từ mắc ca. Tiến tới đưa mắc ca thành sản phẩm quốc gia,
đưa Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mắc ca thế giới, mà kỳ vọng Việt Nam sớm trở thành một
trong những cường quốc mắc ca trên thế giới.