Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Theo dự thảo, thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia (sau đây gọi là Quỹ) để bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Quản lý, sử dụng vốn của Quỹ theo nguyên tắc thị trường
Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, có sự tham gia góp vốn điều lệ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức, cá nhân khác.
Việc quản lý, sử dụng vốn của Quỹ theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro và đảm bảo công khai, minh bạch.
Quỹ thực hiện đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động như sau:
a) Đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và nước ngoài, trong đó bao gồm đầu tư mạo hiểm.
b) Tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho doanh nghiệp.
c) Tài trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
d) Tài trợ học bổng cho sinh viên tài năng trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Điều lệ của Quỹ, trong đó bao gồm loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, vốn điều lệ, mức vốn góp của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ chế thu hút, ủy thác nguồn vốn đầu tư, cơ chế tài trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ trong hoạt động đầu tư.
Đề xuất mới về cơ chế, chính sách ưu đãi với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Qua 04 năm triển khai thực hiện, các quy định tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP đã đi vào thực tiễn, giúp xây dựng, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; bước đầu tạo lập, dẫn dắt và kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Nghị định số 94 chủ yếu tập trung vào việc tập hợp những cơ chế, chính sách đã được quy định tại pháp luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng. Nghị định còn thiếu những cơ chế, chính sách được xây dựng thuộc thẩm quyền của Chính phủ để tạo đột phá đối với mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trung tâm nên còn hạn chế vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Trung tâm cũng như thu hút hoạt động của các doanh nghiệp, đối tác hoạt động tại Trung tâm.
Thực tế quá trình đầu tư xây dựng, tổ chức nghiên cứu cơ chế vận hành của Cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc đang cho thấy nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cần kịp thời bổ sung để tạo điều kiện cho trung tâm vận hành hiệu quả hơn, kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo khác tạo thành mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Bộ KH&ĐT do đó đề xuất, việc nghiên cứu, xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 94 quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là cần thiết, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn cho đơn vị này hoạt động, huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả, góp phần tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi thuế
Về ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng hoạt động, dự thảo đề xuất, Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê. Trung tâm không thuộc đối tượng nộp tiền thuê đất trong trường hợp sử dụng tài sản gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đối với cơ sở Hòa Lạc, được áp dụng các quy định nêu trên, được miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước đầu tư, được miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Về ưu đãi thuế, trung tâm được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối với cơ sở Hòa Lạc, được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất. Trung tâm được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về chính sách tuyển dụng, trung tâm được áp dụng cơ chế tuyển dụng viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Ngoài các chức danh quản lý do viên chức quản lý đảm nhiệm, Trung tâm được tuyển dụng lao động hợp đồng vào các vị trí quản lý đối với các đơn vị, bộ phận trực thuộc Trung tâm.
Mục đích xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, đột phá, thông thoáng, thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật hiện hành; tạo sức hấp dẫn để thu hút trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Việc xây dựng Nghị định góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị định gồm 03 Chương, 18 điều. Trong đó, Chương I. Quy định chung. Chương II. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm và cá nhân, tổ chức hoạt động tại Trung tâm. Chương III. Tổ chức thực hiện.
Quan điểm xây dựng Nghị định bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đất đai, đầu tư công, đấu thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách để hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các vườn ươm sáng tạo; hỗ trợ ban đầu cho các startup có trí tuệ, quyết tâm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 16/3/2023.