Điều hành giá vào thứ Năm hàng tuần
Tại Dự thảo mới nhất của Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã bổ sung một số quy định về trường hợp phải thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu) và bổ sung trường hợp phải đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Dự thảo bổ sung điều kiện cụ thể là Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận trong trường hợp thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định và bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ 3.
Dự thảo cũng mở rộng phạm vi khi Bộ Công Thương có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý về các hành vi vi phạm chất lượng, mua bán xăng dầu không có nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công Thương đề xuất bổ sung quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm cập nhật, báo cáo thông tin, số liệu tại hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Thương nhân phân phối sẽ được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu theo Hợp đồng mua bán xăng dầu.
Đối với đại lý bán lẻ xăng dầu, Dự thảo quy định các đại lý được bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình trên cơ sở giá bán lẻ của các thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp hàng nhưng không cao hơn giá bán lẻ do Nhà nước công bố.
Thay vì được ký hợp đồng với 1 tổng đại lý hoặc 1 thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối như Nghị định 95, Dự thảo Tờ trình quy định đại lý được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu với không quá 3 thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo cũng loại bỏ quy định “Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác”.
Về nhập khẩu xăng dầu, Dự thảo đề xuất Bộ Công Thương sẽ giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cả cơ cấu chủng loại và cơ cấu nguồn xăng dầu từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu cho từng thương nhân. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương điều chỉnh mức tổng nguồn tối thiểu và cơ cấu nguồn đã giao cho các thương nhân.
Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày Thứ Năm hàng tuần.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động tăng hoặc giảm từ 7% trở lên trong thời gian giữa 2 kỳ điều hành, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện việc điều hành giá xăng dầu. Như vậy, nếu Dự thảo Nghị định mới được thông qua, chu kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được rút ngắn còn 7 ngày, và quy định cụ thể mức biến động giữa 2 kỳ điều hành thay vì chỉ nêu trường hợp có “biến động bất thường” như Nghị định 95.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bãi bỏ quy định về tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
Doanh nghiệp xác định giá xăng dầu
Riêng đối với quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước (nhà nước công bố mức giá điều hành như mức giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của doanh nghiệp không cao hơn mức giá bán lẻ nhà nước công bố).
Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không bao giờ phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các chi phí này biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước theo định kỳ nên thường sẽ không phản ánh được thực tế chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra (trong giai đoạn chi phí tăng cao liên tục, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ).
Trong trường hợp các chi phí được cập nhật theo biến động của thị trường, khi chi phí được xác định theo mức bình quân sẽ luôn có một số doanh nghiệp có mức chi phí cao hơn mức chi phí bình quân và do đó sẽ bị lỗ so với mức chi phí được tính trong giá cơ sở (là giá trần được bán ra của doanh nghiệp) nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động kinh doanh và bảo đảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.
Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án đề xuất sửa đổi và đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi nội dung này theo phương án đề xuất lựa chọn của Bộ Công Thương tại Dự thảo Tờ trình về chi phí kinh doanh xăng dầu.
Phương án 1 là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...), đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí… để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Theo Bộ Công Thương, dù phương án này sẽ giúp Nhà nước tiếp tục quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường, giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn; song khi các yếu tố cấu thành giá xăng dầu như chi phí kinh doanh có biến động bất thường, mặc dù việc rà soát, tính toán đã được quy định theo hướng kịp thời hơn nhưng mức chi phí cuối cùng trong công thức giá cơ sở vẫn là mức bình quân nên sẽ không phản ánh đúng chi phí thực tế doanh nghiệp phải chi ra, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại, không bảo đảm duy trì được hoạt động kinh doanh, gây bất ổn nguồn cung cục bộ.
Phương án 2 - cũng là phương án mà Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn - là sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Lý do mà Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn là phương án này sẽ tiếp tục có sự quản lý chặt chẽ đối với giá xăng dầu bán trên thị trường nhưng có sự điều chỉnh chi phí linh hoạt hơn, rà soát tính đủ các chi phí phát sinh của doanh nghiệp; giá xăng dầu trên thị trường cơ bản thống nhất giữa các địa bàn.
Mới đây nhất, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều hành giá xăng dầu vào ngày 30/1/2023.
Sau điều hành, giá xăng E5RON92 tăng 977 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 993 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 890 đồng/lít; dầu hỏa tăng 767 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 568 đồng/kg.