Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 940 tỷ đồng, tăng 13% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, đây vẫn là quý có doanh thu thấp nhất trong cả năm 2022 đối với công ty.
Nhờ giá vốn hàng bán trong cùng kỳ có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Dệt may Thành Công trong quý 4/2022 đạt 152 tỷ đồng, tăng 27% so với quý 4/2021. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng nhẹ lên mức 16,2%.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty đạt 74,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2022, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng mức lợi nhuận này cũng đã giảm 35% so với quý 3/2022, phản ánh hoạt động kinh doanh của công ty đã chậm lại khi toàn ngành dệt may Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022.
Luỹ kế cả năm 2022, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 281 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,7% và 95% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của công ty trong lịch sử hoạt động. Nếu so với kế hoạch đề ra, Dệt may Thành Công đã hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 111% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2022.
Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư – Thương mại Thành Công xem tại đây.
Dệt may và may mặc là mảng kinh doanh chủ lực của Dệt may Thành Công, chiếm 98% tổng doanh thu và đóng góp 97% tổng lợi nhuận gộp. Mảng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của công ty tuy có ghi nhận tăng trưởng nhưng chỉ chiếm 1,3% tổng doanh thu.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Dệt may Thành Công đạt 3.477 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,5% so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do giá trị hàng tồn kho giảm mạnh 14%, xuống còn 1.255 tỷ đồng (chiếm 36% tổng tài sản). Công ty hiện đang nắm giữ 422 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, và 203 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Tổng giá trị hai khoản này tương đương 18% tổng tài sản.
Đối với phần nguồn vốn, nợ phải trả của Dệt may Thành Công đã giảm 21% so với thời điểm đầu năm 2022, xuống còn 1.498 tỷ đồng (chiếm 43% tổng nguồn vốn). Trong đó, phải trả người bán đã giảm mạnh 68%, chỉ còn 176 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng 15%, đạt 1.978 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp 1,5 lần lên 714 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngay từ giữa tháng 12/2022, Dệt may Thành Công đã nhận được phần lớn đơn hàng cho quý 1/2023 và bắt đầu lên kế hoạch cho đơn hàng quý 2/2023.
Dệt may Thành Công đã khởi công đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Vĩnh Long vào tháng 5/2021. Theo đó, công suất hoạt động sẽ tăng thêm 9 triệu sản phẩm, tương đương 33% công suất hiện tại. Yuanta Việt Nam nhận định sau những khó khăn vĩ mô hiện tại, Dệt may Thành Công có thể hoàn thiện nhà máy trong năm 2023 để đón đầu đà phục hồi của ngành dệt may.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công tăng 3,13%, đạt 49.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu TCM đạt hơn 650.000 đơn vị.