Dự kiến doanh thu cả năm vượt mục tiêu đề ra
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa cho biết, đến giữa tháng 12/2023, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu cả năm 2023, tương ứng mức 6.800 tỷ đồng và về đích trước kế hoạch 16 ngày.
Ban lãnh đạo Dệt may TNG cho biết, nhiều đơn vị thành viên như Chi nhánh May Việt Đức, Chi nhánh May Việt Thái, Chi nhánh May Phú Bình 1, 2, 3, 4 cũng đã hoàn thành sớm kế hoạch doanh thu của năm.
Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với hoạt động kinh doanh của Dệt may TNG – đơn vị có đến 98% doanh thu đến từ kênh xuất khẩu trong bối cảnh toàn ngành dệt may đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng, tồn kho tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm ở mức cao.
Ban lãnh đạo Dệt may TNG chia sẻ, ước tính tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm khoảng 8% so với năm 2022, riêng ngành dệt may Việt Nam là giảm 9,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh, chi phí tăng, cạnh tranh gay gắt là những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt.
Trong bối cảnh đó, Dệt may TNG đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tiết giảm chi phí và xúc tiến tiêu thụ, thậm chí chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng và đảm bảo việc làm cho công nhân.
Hiện Dệt may TNG dự kiến tổng doanh thu cả năm 2023 sẽ đạt 7.030 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp dệt may này gồm: Mỹ (chiếm 40% tổng doanh thu), EU (chiếm 40%), còn lại là các thị trường khác như Nga, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc...
Theo mục tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu cả năm nay là 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận 299 tỷ đồng, đều là các chỉ tiêu tài chính cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận có thể khó hoàn thành khi luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG mới ghi nhận lãi 171 tỷ đồng – tương đương hơn 57% mục tiêu cả năm.
Hướng đến thực hiện các đơn hàng ODM với biên lợi nhuận cao
Trong một diễn biến có liên quan, Dệt may TNG đang tái cơ cấu mảng bất động sản để tập trung mảng dệt may cốt lõi. Cụ thể, doanh nghiệp này vừa thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ Dự án nhà ở Thương mại TNG Village cho Công ty Cổ phần TNG Land. TNG Land hiện là công ty con duy nhất của Dệt may TNG với mức chi phối 56,84% vốn điều lệ.
Đối với dự án Khu công nghiệp Sơn Cẩm 1, Dệt may TNG vừa cho biết sẽ giảm diện tích cho thuê tại đây từ 49 ha ban đầu xuống còn 27 ha (giảm 45%). Trong đó, 15 ha vốn dự kiến dành cho thuê sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà máy dệt may và 7 ha sẽ được chuyển nhượng cho công ty con TNG Land.
Hiện Dệt may TNG đang tích cực đẩy nhanh thực hiện dự án nhà máy in và nhà máy công nghệ tại Khu công nghiệp Sơn Cẩm 1, hướng đến thực hiện đơn hàng ODM.
Trong tương lai gần, Dệt may TNG có kế hoạch tiến tới tới việc tự thiết kế găng tay và thực hiện các đơn hàng ODM. Trong các đơn hàng ODM, Dệt may TNG sẽ thực hiện toàn bộ từ khâu thiết kế, lên mẫu, đến sản xuất thành phẩm cho khách hàng, qua đó cải thiện đáng kể doanh thu cũng như biên lợi nhuận, cũng như gia tăng sức cạnh tranh khi mới chỉ có số ít đối thủ trên thị trường đang thực hiện các đơn hàng ODM.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 19/12, cổ phiếu TNG có giá tham chiếu tại mức 19.900 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 71% so với hồi đầu năm nay.
[Quảng cáo]