ĐHĐCĐ Hapro: Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch Hapro

Sáng ngày 24/6, Công ty mẹ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2023.

Tại đại hội, cổ đông tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2018-2023. Danh sách ứng viên HĐQT gồm 5 cá nhân là bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam; bà Trần Thị Tuyết Nhung Chủ tịch Vinamotor, bà Nguyễn Thị Hằng; ông Vũ Thanh Sơn, ông Trần Tuấn Anh.

Phát biểu tại đại hội, bà Nga cho biết, trong nhiệm kỳ này, bà sẽ làm Chủ tịch của Hapro, giúp công ty phát triển, thay đổi sau 1 năm. Ứng viên BKS gồm 3 cá nhân là bà Nguyễn Hồng Hải, bà Vũ Thị Quỳnh Trang và ông Nguyễn Trọng Hiện. Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco), thuộc Tập đoàn BRG, trước đó đã được phê duyệt là đối tác chiến lược năm 65% vốn Hapro.

Tại đại hội, cổ đông đã có những câu hỏi về định hướng phát triển kinh doanh của công ty, đề cập đến tình hình sử dụng nhiều khu đất vàng tại Hà Nội. Cổ đông đề xuất chuyển đổi phương thức sử dụng đất sang đầu tư bất động sản, để giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cổ đông cũng muốn bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch tập đoàn BRG chia sẻ về định hướng kinh doanh của Hapro sau cổ phần hóa với sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược.

Phát biểu trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, sau cổ phần hóa Hapro sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi, phát triển các sản phẩm và tập trung vào xuất khẩu. Bà Nga cũng cho biết, toàn bộ các nhân viên của công ty sẽ vẫn tiếp tục làm việc và sẽ không bị nghỉ việc. Công ty sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, HĐQT sẽ tái cơ cấu lại bộ máy công ty, từ Phó tổng Giám đốc trở lên, sắp xếp và cơ cấu lại lao động theo năng lực phù hợp với từng vị trí.

Với đề xuất của cổ đông chuyển hoạt động kinh doanh của công ty tập trung sang bất động sản, bà Nga cho rằng, hiện nay chuyển đổi hình thức sử dụng đất không đơn giản. Nếu như muốn mua lại đất thuê lâu dài, đều phải nộp tiền theo giá thị trường. Mặt khác, trước khi cổ phần hóa, Thành phố Hà Nội đã thu lại 63 điểm bán hàng của Hapro, trong đó có nhiều điểm vị trí rất đẹp như Hàng Khay, Hàng Bồ… Ngay cả miếng đất rất lớn khoảng 23ha tại Đông Anh, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng phải lại.

Kết thúc cuộc họp, cổ đông đã thông qua toàn bộ tờ trình và bầu thành viên HĐQT, BKS của công ty. Bà Nguyễn Thị Nga được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Hapro và ông Vũ Thanh Sơn được bầu làm Tổng giám đốc công ty.

Trước đó, HĐQT của Hapro trình lên kế hoạch của công ty sau cổ phần hóa. Về cơ cấu cổ đông, nhà đầu tư chiến lược Vinamco nắm 65% vốn, người lao động giữ 0,45% vốn và cổ đông khác (chào bán qua IPO) nắm 34,55%.

Về hoạt động kinh doanh, công ty sẽ tập trung phát triển đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong toàn Tổng công ty, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu. Đồng thời, công ty xây dựng 5 mặt hàng năm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước là gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và thực phẩm chế biến.

Năm 2018, công ty mẹ Hapro đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 115 triệu USD, tăng 31% so với năm trước. Tổng doanh thu dự kiến ở mức 3.560 tỷ đồng, tăng 8%, lãi trước thuế đạt 20,5 tỷ đồng, tăng trưởng 57%.

Toàn tổng công ty dự kiến doanh thu ở mức 6.400 tỷ đồng, tăng 15% và lãi trước thuế tăng 45% đạt 70,5 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 117 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 6 triệu USD.

Trong 2 năm tới, công ty mẹ Hapro dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng 20-38% và lợi nhuận sẽ tăng 57-70%. Công ty dự kiến sẽ chi cổ tức tỷ lệ 1,5 – 2%.

Kế hoạch tổng công ty mục tiêu doanh thu sẽ tăng trưởng 15-25%, cán mốc 9.200 tỷ đồng trong năm 2020. Lợi nhuận trước thuế tăng 33-43% và chạm mức 135 tỷ đồng vào 2 năm tới.


Theo NDH