Ngay từ cái nhìn đầu tiên, bức ảnh “Cứu Mỏ bằng tinh thần thợ mỏ” đã để lại ấn tượng thực sự với tôi. Bức ảnh lưu lại khoảnh khắc đầy tự tin và quyết tâm của người thợ mỏ khi đang dầm mình trong dòng nước để lắp thiết bị bơm thoát nước cứu Mỏ. Chính điều này đã thôi thúc tôi đi tìm gặp nhân vật trong bức ảnh “Cứu Mỏ bằng tinh thần thợ mỏ”.

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 8/2015 tại Quảng Ninh đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề với sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Trong những thời khắc khó khăn nhất thì truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của những người thợ mỏ đã phát huy sức mạnh, để rồi thợ mỏ đã cứu Mỏ bằng chính tinh thần của thợ mỏ. Và khi trận mưa lũ lịch sử qua đi, điều còn đọng lại chính là tinh thần cứu mỏ bằng mọi giá của người thợ mỏ. Không được trực tiếp có mặt tại hiện trường trong những ngày mưa lũ uy hiếp các đường lò, nhưng tôi lại được chứng kiến thời khắc khó khăn đó qua những bức ảnh rất chân thực và đậm chất nhân văn của tác giả Quốc Khương. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, bức ảnh “Cứu Mỏ bằng tinh thần thợ mỏ” đã để lại ấn tượng thực sự với tôi. Bức ảnh lưu lại khoảnh khắc đầy tự tin và quyết tâm của người thợ mỏ khi đang dầm mình trong dòng nước để lắp thiết bị bơm thoát nước cứu Mỏ. Chính điều này đã thôi thúc tôi đi tìm gặp nhân vật trong bức ảnh “Cứu Mỏ bằng tinh thần thợ mỏ”.

Anh Trịnh Đình Long dầm mình trong dòng nước để lắp thiết bị bơm thoát nước cứu Mỏ

Sau vài ngày liên lạc với các đơn vị sản xuất hầm lò trong Công ty, tôi cũng xin được số điện thoại và hẹn gặp nhân vật trong bức ảnh “Cứu mỏ bằng tinh thần thợ mỏ” của tác giả Quốc Khương. Thật trùng khớp với những cảm nhận ban đầu của tôi, Trịnh Đình Long - nhân vật trong bức ảnh là một thợ lò có dáng người và khuôn mặt rắn rỏi. Ở Long toát lên một thứ năng lượng làm người đối diện có cảm giác ấm áp, gần gũi. Là con cả trong một gia đình có bố là thương binh, mẹ là giáo viên tại Hải Dương, Trịnh Đình Long được thừa hưởng tính cách khiêm tốn, lễ phép từ người mẹ giáo viên và ý chí tự lập, kiên cường của người lính từ bố. Năm 2001, theo lời giới thiệu của người cô ruột Long đã tìm hiểu và quyết tâm theo học nghề khai thác tại Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu nghị. Sự quyết tâm theo nghề của Long được thể hiện rất rõ qua thành tích học tập tại trường. Suốt thời gian học nghề, Long luôn đạt kết quả học tập tốt và được hưởng học bổng toàn phần của trường. Long tâm sự: Thời gian học nghề và đi xin việc, gia đình không phải chu cấp một đồng nào cho em cả. Khi thấy em quyết tâm theo nghề mỏ, bố mẹ đều rất ủng hộ và tôn trọng quyết định của em. Bố còn căn dặn: Môi trường làm việc khó khăn vất vả của Mỏ cũng là cách để con rèn luyện thêm bản lĩnh và ý chí để trở thành một người đàn ông thực sự.

Hơn 10 năm làm bạn với những gương than đường lò, Long cũng có được một gia đình nhỏ đầm ấm cùng ngôi nhà mới xây dựng khang trang bằng chính công sức lao động của mình. Với Long đó mới là hạnh phúc thực sự. Khi tôi hỏi Long: Làm nghề khai thác mỏ hầm lò thì công việc gì là khó nhất? Long tự tin trả lời: “Chẳng có gì là khó nếu mình quyết tâm và nhiệt tình trong công việc, lao động hăng say niềm vui sẽ đến chị ạ (cười thật tươi)”. Là thợ bậc cao, ngày công đi làm hằng tháng luôn đạt 26 công, bởi vậy mà Long luôn có mặt trong danh sách bình bầu công nhân xuất sắc của phân xưởng KT7, Công ty Than Nam Mẫu. Với người thợ mỏ Trịnh Đình Long, niềm vui không chỉ đến từ gia đình nhỏ hạnh phúc mà niềm vui còn đến từ những thành tích trong lao động sản xuất. Đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than, Long lại có thêm một niềm vui nữa khi mà anh là 1 trong những gương mặt được TKV khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động sản xuất, khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2015.