IIP tháng 8 giảm 4,2%
Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%; sản xuất dệt tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6%; sản xuất trang phục tăng 5,9%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,7%; khai thác than cứng và than non giảm 0,9%.
Chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.
Một số địa phương có chỉ số IIP tăng như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%; Kon Tum tăng 12,5%; Quảng Ngãi tăng 11,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,7%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 5,5%; quần áo mặc thường tăng 6,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; dầu thô khai thác giảm 4,8%.
Quyết tâm duy trì sản xuất an toàn
Trong 4 tháng cuối năm, một trong những hoạt động trọng tâm mà Bộ Công Thương đề ra là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Đối với ngành dầu khí, phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư các dự án trọng điểm dầu khí trong việc triển khai các hoạt động thi công ngoài hiện trường đáp ứng tiến độ đề ra, trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt là các Dự án Kho cảng LNG Thị Vải, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí.
Tăng cường công tác sản xuất, điều tiết việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp tình hình không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu, phân bón...); Hiệp hội Xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu, các Tập đoàn, Tổng công ty các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu chia sẻ hoạt động với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Đối với nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử…, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng, trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm hình thành mạng lưới kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành công nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Đối với nhóm ngành sản xuất thép, phân bón, khai thác quặng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và những Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất lớn trong các ngành rà soát, xem xét liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, có biện pháp để tăng năng suất, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao. Rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất nhập khẩu mặt hàng sắt thép, phân bón, quặng sắt.