Trải nghiệm nơi "bốn mùa mù sương"

Vậy là sau bao lâu mong ước, chờ đợi, cuối cùng tôi cũng đến được Sa pa- nơi bốn mùa mù sương. Xuân về, Sa Pa lại càng đẹp hơn, lãng mạn hơn với cảnh tuyết rơi trắng xoá, màu xanh của cây lá hoà quyện

 

CẢM XÚC TRÊN NÚI HÀM RỒNG

Nói đi du lịch Sapa trong những ngày buốt giá này, nhiều người mới nghe đã nổi “gai ốc”. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài và du khách miền Nam thì họ lại muốn lên Sa Pa để cảm nhận cái rét của miền Bắc và ngắm cảnh tuyết rơi. Thậm chí, một số du khách ở Hà Nội thích “cảm giác mạnh” đã đi ô tô lên Sa Pa để được sờ thấy tuyết và chinh phục đỉnh Phan Si Phăng. Đó cũng là cái thú của những tâm hồn lãng du, bởi khi ta được trải nghiệm thực tế, được hoà mình với thiên nhiên hùng vĩ, thì cái rét kia có ngại chi. Với tình cảm chân thành, mộc mạc của bà con dân tộc Mông bên bếp lửa hồng, cùng với cuộc hành trình leo núi đầy hấp dẫn ở phía trước, sẽ khiến du khách cảm thấy ấm hơn và tự tin hơn.

Có lẽ điểm đến đầu tiên của hầu hết các đoàn khách khi đến Sa Pa là khu du lịch núi Hàm Rồng. Từng bậc thang, từng nhịp bước đưa chúng tôi lên núi Hàm Rồng, với hương thơm của giỏ lan rừng, cùng dư vị của quán trà Hoa, cà phê… Phải nói là càng lên cao càng hấp dẫn, cái mệt qua nhanh mỗi khi ta ghi dấu bức ảnh của mình bên loài hoa đẹp, hay bên tảng đá to, có tiếng róc rách bên vách đá. Khu du lịch Hàm Rồng nổi tiếng với những vườn hoa, có loài hoa lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Chúng tôi được ngắm, ngửi và sờ bên hoa, với một cảm giác dễ chịu, thư thái. Leo đến Cổng Trời, một không gian mênh mông được mở ra, thị trấn Sa Pa hiện lên trong làn sương mờ, mây trắng bồng bềnh, bảng lảng. Tôi căng lồng ngực để đón nhận không khí trong lành, rồi nhắm mắt mơ về một mùa Xuân đang đến gần. Từ trên đỉnh cao, phóng tầm mắt xuống dưới kia là những ngôi nhà mái đỏ, nhà thờ đá mới được tu sửa thấp thoáng trong sương, xen lẫn là những rừng cây, hoa lá, trải dài ngút tầm mắt. Lên được đến Cổng Trời, ai cũng muốn lưu lại kỷ niệm, những người  đến trước thường ghi tên mình trên vách đá, còn tôi thì chọn cách ghi lại tấm hình nhìn thị trấn Sa Pa từ trên cao…

NĂM MỚI, SA PA MAY “ÁO MỚI”

Cuộc hành trình của chúng tôi mới dừng lại chỉ có hai ngày, một số khu du lịch khác như Thác Bạc, Cát Cát… tôi vẫn chưa đến được, có lẽ phải mất một tuần thì mới khám phá hết được tổng thể cái đẹp của Sa Pa. Để tìm hiểu nét mới của Sa Pa trong năm Mậu Tý 2008, chúng tôi đã đến làm việc tại Phòng Thương mại và Du lịch Sa Pa. Tiếp tôi là một Phó trưởng  phòng tuổi đời còn khá trẻ - anh Phạm Tiến Dũng. Qua câu chuyện, chúng tôi mới nhận ra là cả hai đã từng ngồi chung “một mái nhà” trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau những phút giây tìm lại kỷ niệm đẹp của thời sinh viên, chúng tôi bắt  đầu đi vào chủ đề mình đang ấp ủ. “Sa

Pa thật đẹp trong mắt người lãng du. Liệu “cái áo” của Sa Pa có quá chật khi du khách đổ về ngày một đông?” – Tôi hỏi. Anh Phạm Tiến Dũng như đã có sẵn câu trả lời: “Anh nói đúng, lượng khách đến Sa Pa mấy năm gần đây tăng cao, nhất là vào các dịp lễ, tết. Để tránh sự quá tải và đáp ứng nhu  cầu của du khách, huyện Sa Pa đã xây dựng chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006-2010, với các đề án như nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nâng cấp tuyến du lịch, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên… Thị trấn Sa Pa trong những năm tới sẽ rộng gấp 3 lần hiện nay, và một số khu du lịch mới sẽ hình thành”. Anh Dũng cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nâng giá phòng, bắt chẹt khách khi nhận được tin phản hồi của du khách. Hiện nay, đội kiểm tra liên ngành của huyện hoạt động có hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho du khách khi đến Sa Pa”. Một tin vui nữa đến với du khách, đó là hiện nay có một đơn vị đã nhận tổ chức một đoàn tàu chuyên phục vụ khách từ Hà  Nội lên Sa Pa, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách…

Trở về Hà Nội, tôi đã có cảm xúc để viết lên những dòng tâm huyết về một Sa Pa mộng mơ và quyến rũ. Mong rằng, mùa Xuân tới, Sa Pa sẽ có “bộ áo” mới, để thoả lòng mến mộ của du khách trong và ngoài nước.

 

  • Tags: