Các doanh nghiệp ngành công nghiệp làm gì để hội nhập

Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Ngay sau đó, năm 1996, Việt Nam bắt đầu thực hiện Hiệp định ¦u đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và sẽ cơ bản kết thúc q

Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất động cơ và lắp ráp ô tô- xe máy (LISOHAKA):

Đối với LISOHAKA, thực tế trong thời gian qua, một số sản phẩm xe máy của Công ty đã được xuất khẩu sang các nước, trong đó có thị trường ASEAN và châu Phi. Do đó, nếu chỉ nhìn vào thị trường nội địa, thì quả thật có vô vàn khó khăn đối với doanh nghiệp, vì bên cạnh một số rào cản... thì cái chính là thị trường xe máy Việt Nam đã bão hoà, hay nói đúng hơn là cung đã vượt cầu. Chính vì thế, đối với doanh nghiệp, muốn tồn tại, không còn con đường nào khác, phải có tầm nhìn xa hơn (nghĩa là phải tính đến xuất khẩu sản phẩm), mà gần nhất là Khu vực mậu dịch tự do ASEAN  (AFTA), sau đó là tiến đến sân chơi WTO. Về khả năng cạnh tranh của sản phẩm xe máy Việt Nam khi thực hiện CEPT/AFTA, theo tôi, ngành Cơ khí Việt Nam những năm gần đây đã có rất nhiều tiến bộ, thêm vào đó, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân cũng không hề thua kém, thậm chí còn hơn cả một số nước trong khu vực... Đây chính là hai yếu tố quan trọng và mang tính quyết định để sản phẩm xe máy Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các loại sản phẩm xe máy của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc... Cái chính, xét cho cùng, còn phải phụ thuộc vào cơ chế thông thoáng của Nhà nước.

TS.Quản Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, TCTy Máy động lực và Máy nông nghiệp.

Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) là xu thế tất yếu trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, mở ra cho nước ta tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và tiếp xúc với thị trường rộng lớn của thế giới. Để chủ động HNKTQT, yêu cầu đặt ra với ngành Cơ khí là cần chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giảm dần hàng rào bảo hộ. Chính vì thế, bước sang thời kỳ đổi mới, do đặc điểm của sản xuất cơ khí là đầu tư ban đầu lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác, lại đòi hỏi tổ chức chuyên môn hoá, hợp tác hoá cao, nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Cơ khí không kịp chuyển đổi. Thêm vào đó, Ngành lại thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và bảo vệ thị trường trong nước, nên Ngành không đáp ứng được nhu cầu trong nước, thị phần bị thu hẹp do hàng nhập lậu và hàng bãi chèn ép, kể cả các sản phẩm là thế mạnh hàng chục năm trước đây của TCTy như máy động lực nhỏ, máy kéo nhỏ, động cơ diezen các loại...

Để ngành Cơ khí có thể tham gia HNKTQT, theo tôi, cần phải chú trọng một số vấn đề sau:

- Hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý từ Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển cho một số lĩnh vực cơ khí như sản xuất động cơ đốt trong cho ô tô, xe máy, động cơ diezen...

- Đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam không những có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

- Xây dựng chương trình hỗ trợ công nghệ, tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn chính thức, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, độc đáo phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Đổi mới quản lý doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ quản lý, kỹ thuật, công nhân lành nghề tương thích với trình độ và quy mô đầu tư mới, cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với những chuyên gia giỏi của ngành.

- Cần định hướng thị trường cụ thể và ưu tiên cho các công ty, nhà máy cơ khí trong nước tham gia cung cấp các thiết bị toàn bộ mà trong nước sản xuất được.

Ông Nguyễn Giang - Chánh Văn phòng Công ty Nhựa Việt Nam

Chuẩn bị cho hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam, hoà vào dòng chảy chung của các doanh nghiệp, kể từ giữa những năm 1990 của thế kỷ XX, các đơn vị thuộc Tổng công ty Nhựa Việt Nam và nay là Công ty Nhựa Việt Nam đã thực hiện xây dựng hệ thống quản lý ISO (14 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Nhựa Việt Nam, 6 doanh nghiệp thuộc Công ty Nhựa Việt Nam ). Tuy nhiên nói đến hội nhập thì không chỉ ISO là đủ, mà việc phải tính đến đầu tiên là năng lực sản xuất, máy móc thiết bị, khả năng cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Những điều này, ngành Nhựa nói chung và Công ty Nhựa Việt Nam nói riêng, tính đến nay đã có những lợi thế nhất định. Đó là về máy móc, thiết bị toàn ngành hiện có tới 70 - 80% công nghệ hiện đại, nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp nhựa tiên tiến như Pháp, Đức, Italia..., 20- 30% phần còn lại nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Về thị trường, hiện ngành Nhựa Việt Nam cũng như Công ty vẫn giữ vững thị phần tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác (Nhật Bản, Đài Loan, Pháp...). Đồng thời, sắp tới sẽ hướng đưa sản phẩm hoặc đầu tư trực tiếp các nhà máy sang sản xuất tại một số nước Đông Âu, CuBa, Châu Phi... Đây là những thị trường có tiềm năng lớn và rủi ro thấp. Khó khăn duy nhất và lớn nhất của Ngành đối với hội nhập là vấn đề về nguồn nguyên liệu đến nay cũng không còn là vật cản quá sức của các đơn vị doanh nghiệp sản xuất. Bởi nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất của các doanh nghiệp hiện đã được đáp ứng gần đầy đủ với 300.000 tấn bột PVC hàng năm, các nguyên liệu còn lại là PE, PP, HD... tuy trong nước chỉ mới đáp 20-30% nhưng đây là khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà còn của không ít doanh nghiệp các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philipin... Do vậy, với những gì đã có, chúng tôi tin rằng, sản phẩm của chúng tôi sẽ đứng vững, cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của các nước trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ông Đặng Ngọc Minh- Trưởng phòng Kinh doanh và Xuất Nhập khẩu- Tổng Công ty Thép Việt Nam: “Đe doạ sẽ thực sự đến sau năm 2005 khi thuế suất giảm xuống còn 5%”.

Nằm trong tổng thể chung của nền kinh tế, quá trình hội nhập đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Tcty Thép Việt Nam trong quá trình hoạt động và phát triển. Để thích nghi với điều kiện mới, Tcty đã và đang tiến hành nhiều nghiên cứu về hội nhập quốc tế như hội nhập ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+ 3, WTO, các hiệp định thương mại song phương… với mục đích tìm ra giải pháp cho chính mình. Trước mắt, Tcty đặt trọng tâm vào nghiên cứu Hội nhập ASEAN và ASEAN- Trung Quốc vì nó đang đến rất gần và thực sự là mối đe doạ tiềm tàng đối với ngành Thép nói chung và Tcty Thép Việt Nam nói riêng. Chúng tôi đã thành lập một Ban chuyên nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình sản xuất thép cũng như thị trường tiêu thụ thép của các nước trong khu vực và trên thế giới. Một tin vui là cuối tháng 5 vừa qua, đề cương nghiên cứu của chúng tôi đã được thông qua, việc thiết lập mối quan hệ với vị tham tán Việt Nam tại các nước trong khu vực có nền công nghiệp thép tiên tiến là Thái Lan, Malaixia, Philipin, Xingapo, Inđônêxia… đã thành công, tạo tiền đề cho công tác thu thập thông tin, nghiên cứu thị trường thép của nước bạn đồng thời cũng là cơ hội giới thiệu mình. Tcty cũng đã chính thức ký hợp đồng mua thông tin về thép đối với các nước này.

Theo đánh giá của Tcty thì trước mắt, việc áp dụng lộ trình giảm thuế CEPT từ 1/7/2003 sẽ chưa tác động mạnh tới ngành Thép nội địa, tuy nhiên đe doạ sẽ thực sự đến sau năm 2005, khi thuế suất giảm xuống còn 5%, đặc biệt là đối với các sản phẩm Tcty đang đầu tư và sẽ đi vào sản xuất trong thời gian tới như thép tấm, lá cán nóng, cán nguội. Trong thời gian từ nay tới 2006, Tcty sẽ phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm các giải pháp để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời chủ động tiếp cận thị trường thép các nước ASEAN.

  • Tags: