Phóng viên: Thưa ông, Điện Biên được đánh giá là tỉnh có tiềm năng về điện gió. Nguồn điện này đã được bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII. Xin ông cho biết, những lợi thế cũng như nỗ lực nhằm đánh thức và phát triển tiềm năng điện gió của địa phương?
Ông Lê Thành Đô: Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Điện Biên có nhiều kiểu địa hình khác nhau, phổ biến là địa hình núi cao do được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, địa hình có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Với địa hình như vậy tạo cho tỉnh Điện Biên có những khu vực có tiềm năng gió rất tốt và ổn định. Theo Global Wind Atlas, nhiều khu vực tỉnh Điện Biên tại các vị trí trên các đồi núi cao, vận tốc gió trung bình đạt từ 7,0 m/s đến 10 m/s ở độ cao 100m và mật độ gió tốt, đây là những thuận lợi để có thể phát triển các dự án điện gió nhằm cung cấp điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên và khu vực.
Trong thời gian qua, Tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư về thực hiện nghiên cứu khảo sát các dự án điện gió tiềm năng. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có 04 nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát, công suất dự kiến khoảng 2.200MW đến 2.500MW với13 dự án điện gió với tổng công suất dự kiến 2.200MW. Trong đó 06 dự án đã báo cáo kết quả đo gió đạt tốc độ gió 6,8 đến 8m/s (Dự án: NMĐG BCG Điện Biên 1, NMĐG BCG Điện Biên 2, NMĐG Mường Ảng, NMĐG Điện Biên Đông (công ty Vestas development A/S); NMĐG Long Sơn-Điện Biên 1, NMĐG Long Sơn-Điện Biên 2) và 03 dự án đang thực hiện đo gió (NMĐG Intracom-Điện Biên, NMĐG Intracom -Huổi Lèng, NMĐG Envision Nậm Pồ); Các dự án này đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Công Thương tổng hợp, cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Phóng viên: Thưa ông, nhà đầu tư có vai trò rất lớn trong việc phát triển năng lượng. Xin ông cho biết những cơ chế, chính sách của Điện Biên hỗ trợ nhà đầu tư?
Ông Lê Thành Đô: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có tiềm năng khảo sát nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, điện tích năng, điện sinh khối, điện mặt trời, thủy điện... Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách hành chính, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư và triển khai thực hiện hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Điện Biên có những đề xuất gì tới các Bộ, Ngành để hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Lê Thành Đô: Để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh tỉnh Điện Biên đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh lần thứ XIV, tỉnh Điện Biên kính đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn và có một số đề nghị cụ thể:
Hướng dẫn các địa phương trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án thủy điện theo Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và các luật hiện hành có liên quan (Do Thông tư số 43/2012/TT-BCT đã được bãi bỏ theo Thông tư số 14/2023/TTBCT ngày 14/6/2023).
Đề nghị Bộ Công Thương có văn bản ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với 13 dự án thủy điện (Sông Mã 2, Nậm Pô 3, Mường Pồn, Nậm Nghèn, Chung Chải, Nậm Mô Phí, Nậm He Thượng 1, Nậm Ngám, Nậm Khẩu Hu 3, Ẳng Cang, Pe Luông, Bản Ban, Ten Núa) tỉnh Điện Biên đã trình Bộ Công Thương, để địa phương và doanh nghiệp có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Đề nghị cấp thẩm quyền sớm phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đối với Danh mục các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh đề xuất trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII:
(1) UBND tỉnh Điện Biên kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận phê duyệt danh mục 40 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất 470,5 MW (bao gồm: 17 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy là 181,3 MW và 23 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất là 289,2 MW) vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (giai đoạn đến năm 2030).
(2) Đối với các dự án phát triển loại hình năng lượng tái tạo khác (bao gồm: điện gió, điện sinh khối, điện rác, thủy điện tích năng, ...) và các dự án phát triển lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ theo nội dung đã chi tiết tại Công văn số 5174/UBND-KT ngày 08/11/2023 của UBND tỉnh Điện Biên.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!