Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Điện Biên trong thời gian qua, đưa ngành sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún trở thành ngành nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân,
Thời gian qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác các loại cây trồng có thế mạnh. Đồng thời, tích cực ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí, tạo hướng phát triển dài lâu giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo.
Tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế, toàn tỉnh Điện Biên đã chuyển đổi gần 3.000 ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác; trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm như: cây ăn quả (dứa, bí đao, bưởi..), mắc ca, cà phê, cây dược liệu (quế, sâm,...), rừng sản xuất... Bên cạnh đó là duy trì và phát triển 23 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh và sức cạnh tranh cao trên thị trường dần được nâng tầm như: gạo, mắc ca, cà phê, bí đao, dứa, bười...
Nhìn chung, kết quả thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được thể hiện rõ hơn, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đang từng bước chuyển dịch theo đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên.
Năm 2023, dự ước tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 287,51 nghìn tấn, vượt 2,68% mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca...) với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Đã triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô trồng 69.406 ha, tổng diện tích mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh 5.092,96 ha (trong đó, diện tích trồng của các nhà đầu tư là 4.871,85 ha). Duy trì khai thác diện tích cây cao su hiện có (diện tích 5.010,03 ha, sản lượng 5.201,5 tấn, tăng 1.929,5 tấn so với năm 2020); diện tích cây cà phê 2.710,8 ha (giảm 609,6 so với năm 2020, sản lượng 4.023,5 tấn, tăng 1.219,7 tấn so với năm 2020); diện tích cây chè năm 612,89 ha (sản lượng 216 tấn, tăng 148 tấn so với năm 2020). Hình thành 56 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mã bao bì đẹp, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc, được đánh giá phân hạng sản phẩm.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3,49%/năm. Nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích và sản lượng; diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 2.758 ha, tăng 111 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt 13.517 tấn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt 44%, tăng 1,34 điểm % so với năm 2020. Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, nhu cầu thị trường được hình thành và phát triển. Tỉnh cũng thu hút, kêu gọi được 26 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh nông, lâm nghiệp và thủy sản; đặc biệt là 13 dự án trồng mắc ca với tổng diện tích trên 85.000 ha. Từ đó, tạo đà nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những chương trình tỉnh đang thực hiện để phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là phát triển cây mắc ca, cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy các dự án chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp, dược liệu; đẩy mạnh thu hút đầu tư theo mô hình liên kết với người dân. Để đảm bảo tiến độ các dự án này, tỉnh cần giải quyết dứt điểm vấn đề đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm căn cứ giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư. Cũng là cơ sở để người dân tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều thương hiệu của nông sản Điện Biên ra đời như Cà phê Mường Ảng, Dứa Na Hang, Mắc Ca Điện Biên, Gạo tám Điện Biên, Bưởi da xanh Mường Ảng,...
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà hiện tại đã được phân phối ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, nhất là tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh,... Điều này cho thấy nông sản Điện Biên đang tạo được lòng tin với người tiêu dùng về thương hiệu và chất lượng.