Ngành nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu, tổ chức sản xuất, nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đặc biệt là đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, nhờ đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Giai đoạn 2021 - 2023 đã thực hiện hỗ trợ liên kết với tổng số 79 dự án trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố với tổng số vốn trên 93 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất tín dụng 850 đối tượng có hoạt động sản xuất nông nghiệp, tổng số vốn vay lũy kế 415,1 tỷ đồng.
Dự ước tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2023 đạt 287,51 nghìn tấn, vượt 2,68% mục tiêu Nghị quyết. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa, gạo, chè, cà phê, mắc ca.... với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đến nay, Điện Biên đã hình thành 56 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mã bao bì đẹp, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc, được đánh giá phân hạng sản phẩm.
Toàn tỉnh triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô trồng 69.406 ha, đưa tổng diện tích mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh đạt 5.092,96 ha (trong đó, diện tích trồng của các nhà đầu tư là 4.871,85 ha). Duy trì khai thác diện tích cây cao su hiện có (diện tích 5.010,03 ha, sản lượng 5.201,5 tấn, tăng 1.929,5 tấn so với năm 2020); diện tích cây cà phê 2.710,8 ha (giảm 609,6 so với năm 2020, sản lượng 4.023,5 tấn, tăng 1.219,7 tấn so với năm 2020); diện tích cây chè năm 612,89 ha (sản lượng 216 tấn, tăng 148 tấn so với năm 2020).
Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3,49%/năm, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu tăng 3,5%/năm). Nuôi trồng thủy sản tăng cả về diện tích và sản lượng; diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 2.758 ha, tăng 111 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt 13.517 tấn.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt 44%, tăng 1,34 điểm % so với năm 2020, Tuy nhiên, còn thấp hơn so với với bình quân chung vùng Tây Bắc (47,09% năm 2019); nhưng cao hơn bình quân cả nước (41,89% năm. Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 2.222 ha các loài cây dược liệu được trồng theo các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.
Nhìn chung, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả. Dự ước đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2020, tương đương 48,7% số xã, vượt 3,7% mục tiêu Nghị quyết (trong đó: 26/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 83,9% mục tiêu giai đoạn, 28/115 xã cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt từ 15 - 18 tiêu chí); bình quân tiêu chí đạt 14,4 tiêu chí/xã, tăng 2,4 tiêu chí/xã so với năm 2020, đạt 102,9% mục tiêu giai đoạn; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh có thêm 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền; phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ phát triển nông nghiệp…
Những kết quả trên góp phần giúp Điện Biên sớm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững giai đoạn 2021-2025.