Điện Biên: Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả CCHC

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Điện Biên, cải cách hành chính được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện CCHC trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một khâu quan trọng và được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tiến trình cải cách hành chính. Cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Điện Biên xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là chìa khoá để xây dựng nền hành chính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. CNTT không chỉ giúp hiện đại hoá nền hành chính mà còn góp phần làm thay đổi cách thức tổ chức, quản lý, bộ máy trong các cơ quan nhà nước.

Nền hành chính công Điện Biên từng bước được hiện đại hóa

Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như: Hệ thống hạ tầng CNTT cơ bản hoàn thiện, kết nối liên thông các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh; đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử thay thế hình thức gửi nhận văn bản truyền thống; nâng cao chất lượng quản lý và điều hành trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển hạ tầng viễn thông và đảm bảo nguồn nhân lực CNTT. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã là trên 90%; 100% cơ quan cấp huyện trở lên có kết nối mạng nội bộ và internet tốc độ cao, 100% xã có kết nối mạng internet; 69% cơ quan từ cấp xã trở lên kết nối vào Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng; Trung tâm dữ liệu (data center) được đầu tư, nâng cấp tạo nền tảng để quản lý tập trung thống nhất, an toàn.

Triển khai, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh tới cấp xã và yêu cầu kết nối liên thông vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của Chính phủ. Hơn 2.300 chứng thư số cho tổ chức và chữ ký số cho cá nhân được triển khai; 100% cơ quan, đơn vị cấp từ tỉnh đến xã triển khai chữ ký số vào phần mền quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số năm 2020 đạt 80% số văn bản gửi và nhận giữa các cơ quan nhà nước; 90% cán bộ, CCVC được có tài khoản thư điện tử sử dụng thường xuyên trong xử lý công việc; hệ thống hội nghị trực tuyến được nâng cấp tại 14 điểm, đảm bảo thông suốt từ Chính phủ tới cấp huyện và chuyển tiếp tới một số xã.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đăng tải và cung cấp 1.668 thủ tục hành chính, trong đó 230 dịch vụ công mức độ 3 và 347 dịch vụ công mức độ 4, tích hợp 222 dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 39%. Trong năm 2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khoảng 96 nghìn hồ sơ, tỷ lệ đạt 83%, dịch vụ bưu chính công ích triển khai hiệu quả góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính Par-Index của tỉnh đạt 86,55 điểm, tăng 5,13 điểm so với năm 2019, xếp hạng thứ 25 toàn quốc, tăng 2 bậc so với năm ngoái
Chỉ số chung về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 tiếp tục có sự cải thiện đáng kể. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 đạt 43,73 điểm tăng 0,34 điểm, xếp hạng thứ 22/63 tỉnh thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm các tỉnh có mức xếp hạng loại khá.

Thời gian tới, Điện Biên sẽ đẩy mạnh hoàn thiện phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

PV