Lý giải vấn đề này, ông Vương Thành Chung, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, nguyên nhân một phần do mấy năm qua đại dịch covid kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch diễn tập của các tỉnh, mặt khác một số địa phương chưa sắp xếp được nguồn lực để thực hiện.
Về phía các địa phương, ghi nhận của cơ quan chức năng, thời gian qua, các tỉnh, thành đã ý thức về việc diễn tập sự cố hóa chất. Cụ thể, nhiều địa phương đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về ứng phó, xử lý sự cố hóa chất, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo an toàn môi trường. Thường xuyên nắm bắt tình hình, dữ liệu về số lượng cơ sở hoạt động hóa chất, lượng hóa chất nguy hiểm lưu trữ tại thời điểm để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Cũng theo ông Chung, đối với doanh nghiệp, việc xây dựng ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó. Cụ thể, doanh nghiệp phải bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn…
Đơn cử tại tỉnh Phú Thọ, ý thức về việc tăng cường quản lý hóa chất trên địa bàn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất, Phú Thọ đã chủ động triển khai và phối hợp đồng bộ trong công tác ứng phó với các sự cố hóa chất. Năm 2021, Sở Công Thương Phú Thọ đã chỉ đạo diễn tập phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất tại 4 công ty sản xuất Hóa chất trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty Cổ phần Đông Á, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì. Các buổi diễn tập thực binh có sự tham gia Phòng Cảnh sát PCCC và Tìm kiếm cứu nạn (Công an tỉnh); Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Sở Công Thương, lãnh đạo UBND huyện, thành, thị, một số doanh nghiệp có hợp đồng kinh doanh hoặc thuê kho liên quan đến các đơn vị diễn tập.
Tham dự buổi Diễn tập ứng phó sự cố hoá chất ngày 23/4/2022 tại tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho rằng, hóa chất đã đóng góp nhiều lợi ích và tác dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nếu không được quản lý, bảo quản và sử dụng đúng cách, đúng mục đích, hóa chất có thể gây ra những vụ tai nạn, sự cố có hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản. Để giảm thiểu những tai nạn, sự cố kể trên thì vai trò của việc vận hành cơ chế phối hợp tổ chức ứng phó sự cố hoá chất kịp thời, hiệu quả của các lực lượng là hết sức quan trọng.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức trang bị đầy đủ kiến thức và nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro. Tại nhiều cơ sở sản xuất, tính chuyên nghiệp đã được đề cao trong mọi khâu giám sát chặt chẽ mọi hóa chất nguy hiểm; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động, bố trí đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, bảo đảm các quy định về nước thải, khí thải, chất thải rắn…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành.
Theo điều 37, Luật hóa chất nước ta quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải xây dựng lực lượng ứng phó tại chỗ và phải thường xuyên huấn luyện và thực hành diễn tập các phương án ứng phó sự cố hóa chất. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm đồng thời kiểm tra năng lực phối hợp hành động giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong công tác ứng phó với sự cố hóa chất diễn ra trên địa phương nơi mình sinh sống.