Đóng cửa thị trường ngày 12/3, cổ phiếu VTP tăng kịch biên độ 19,9% và ghi nhận lượng dư mua lên tới trên 1,6 triệu đơn vị, giúp giá trị vốn hoá của Viettel Post vượt mốc 9.500 tỷ đồng ngay trong ngày đầu tiên chào sàn HoSE.
Đà tăng ấn tượng của cổ phiếu VTP diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Viettel Post ghi nhận loạt tín hiệu tích cực. Trong năm 2023, sản lượng chuyển phát của doanh nghiệp này đã tăng mạnh 43%, kéo theo đó lợi nhuận sau thuế tăng gần 49%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của ngành chuyển phát Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, theo dữ liệu tổng hợp của một số tổ chức tài chính, Viettel Post đang chiếm hơn 18% thị phần lĩnh vực chuyển phát.
Hiện Viettel Post đang đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần toàn ngành trong năm nay và đặt mục tiêu doanh số trong 5 năm tới sẽ tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.
Không chỉ mở rộng tại thị trường Việt Nam, Viettel Post đang có các động thái tích cực thực hiện chiến lược “Go Global” để mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới.
Vừa qua, doanh nghiệp này đã ký thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Nam Ninh và TP.Bằng Tường, cùng tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để xây dựng 02 Trung tâm logistics tại các thành phố này nhằm giới thiệu, quảng bá kết nối thương mại và cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức xuyên biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc.
Qua đó, Viettel Post trở thành đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới nhằm tối ưu chi phí logistics cho các khách hàng.
Viettel Post cũng dự kiến dự kiến mở rộng hoạt động chuyển phát sang thị trường Lào và mở văn phòng đại diện tại Thái Lan nhằm thúc đẩy việc kết nối vận chuyển hàng hoá, đặc biệt là nông sản, của khu vực ASEAN sang thị trường Trung Quốc. Hiện doanh nghiệp này đã cung cấp dịch vụ logistics tại Campuchia và Myanmar.
Ban lãnh đạo Viettel Post cho biết, công ty muốn cung cấp dịch vụ logistics toàn hành trình, đầy đủ các hệ thống từ kho thông minh, dịch vụ hải quan, cửa khẩu thông minh, hạ tầng logistics xuyên biên giới, hệ thống liên vận giúp kết nối đồng bộ các trung tâm, khu công nghiệp, vùng nuôi trồng,... với các hub giao thông đường bộ, biển, cửa khẩu,...
Trong đó, hệ thống công viên logistics sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác. Các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60-70% nhân công. Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí, với thời gian lưu chuyển hàng hóa nhanh nhất, chi phí thấp nhất.
Mạng lưới công viên logistics cũng sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu.
Đầu năm nay, Viettel Post đã chính thức đưa vào vận hành kho Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), thời gian giao hàng toàn hành trình của Viettel Post đã được rút ngắn thêm từ 8 - 10 giờ, xuống chỉ còn 36 - 38 giờ. Đây được xem là mức thời gian tương đương với những đối thủ tốt nhất trong lĩnh vực chuyển phát hiện nay tại Việt Nam.
Trong quý 4/2024, dự kiến Trung tâm khai thác hàng hóa tại Đà Nẵng với tổng diện tích gần 10 ha dự kiến sẽ đi vào hoạt động, tập trung vào các nhóm hàng FMCG và dược phẩm, giúp hàng hóa lưu thông thêm thuận tiện giữa các vùng miền trên cả nước.