Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, thị trường giàn khoan tự nâng toàn cầu khó có thể tránh khỏi tình trạng khủng hoảng nguồn cung khi nhu cầu ở các khu vực như Trung Đông, Ấn Độ và Đông Nam Á bắt đầu vượt xa số lượng giàn khoan hiện có.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global cho biết, tại khu vực Trung Đông, số lượng giàn khoan tự nâng có hợp đồng sẽ tăng từ mức 173 giàn hiện nay lên 188 giàn vào cuối năm 2024 và duy trì ở mức đó vào năm 2025.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam Á, nhu cầu cũng tiếp tục tăng trưởng tích cực với dự báo số giàn khoan có việc làm sẽ tăng từ mức trung bình 32,5 giàn của năm 2023 lên 37,6 giàn trong năm 2024, và đạt 39,2 giàn trong năm 2025. Trong đó, nhu cầu giàn khoan tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ ở mức cao.
Về phía nguồn cung, hiện trên toàn cầu chỉ có 18 giàn khoan tự nâng đang được đóng và 2 giàn mới được đặt hàng. Lượng đặt hàng đóng mới trong vài năm tới dự kiến vẫn ở mức thấp lịch sử, chỉ tương đương 4,1% tổng số giàn khoan có thể hoạt động trên thị trường (437 giàn khoan). Con số này thấp hơn tới 27% so với mức đỉnh chu kỳ trước của ngành dầu khí toàn cầu vào năm 2014.
Ngoài ra, có 163 giàn khoan có tuổi đời trên 30 năm, trong đó có 62 giàn không sẵn sàng để đưa vào hoạt động (tương đương khoảng 33% tổng số giàn khoan hiện nay). Độ tuổi này được đánh giá khó có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao hơn của các chiến dịch khoan ngày nay.
Sự mất cân bằng cung - cầu trên thị trường giàn khoan tự nâng đã đẩy giá thêu giàn khoan trên toàn cầu lên cao. Tại khu vực Đông Nam Á, giá thuê theo ngày trung bình giàn tự nâng (loại 361-400 IC) đang đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kết quả kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ khoan như Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD) trong những năm tới.
Hiện toàn bộ 06 giàn khoan của PV Drilling đã có việc làm xuyên suốt giai đoạn 2024 - 2025 và đã có giàn khoan nhận hợp đồng dài hạn đến năm 2028. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo PV Drilling, ước tính giá thuê giàn khoan đạt trên 90.000 USD/ngày trong năm 2024 và tăng lên mức 102.000 USD/ngày trong năm 2025, với hiệu suất hoạt động lên đến 99% trong cả hai năm.
Dựa trên diễn biến thị trường hiện tại, VNDirect Research đánh giá, các giàn khoan của PV Drilling nhiều khả năng sẽ sớm ký kết được thêm hợp đồng cho giai đoạn từ năm 2026 trở đi.
Đáng chú ý, kể từ năm 2025, khi loạt dự án dầu khí trọng điểm trong nước được triển khai như chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng pha 2B và một số dự án phát triển, mở rộng mỏ hiện hữu khác, nhu cầu khoan sẽ tăng lên đáng kể. Theo đó, hiệu sử sử dụng giàn khoan của PV Drilling có thể duy trì trên mức 90% trong giai đoạn 2026 - 2027.
Kết quả kinh doanh của PV Drilling dự kiến còn được thúc đẩy bởi việc đưa vào hoạt động giàn khoan mới với mức đầu tư khoảng 90 triệu USD. Theo phương án kinh doanh hiện tại, PV Drilling sẽ mua lại một giàn khoan tự nâng hiện có trên thị trường với cơ cấu vốn đầu tư gồm 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.
Sau khi hoàn tất việc mua lại và nâng cấp, PV Drilling có thể đưa ngay giàn khoan này vào hoạt động ngay trong cuối năm nay nếu việc mua lại được sớm thực hiện. Đây được xem là phương án tối ưu để nắm bắt thị trường gian khoan đang tăng tốc hiện nay thay vì việc đầu tư giàn khoan đóng mới với chi phí đầu tư cao và phải chờ tối thiểu 2 năm để có thể đưa vào hoạt động.
Hiện kế hoạch này đang chờ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ra quyết định phê duyệt cuối cùng, ban lãnh đạo PV Drilling chia sẻ.
Bên cạnh đó, PV Drilling đang xem xét việc huy động một giàn khoan thuê ngoài để phục vụ cho hai chiến dịch khoan của Idemitsu và Murphy Oil tại Việt Nam.